Mạnh dạn đột phá, tăng gia hiệu quả

09:44 - Thứ Sáu, 07/01/2022 Lượt xem: 5865 In bài viết

Đến thăm khu tăng gia sản xuất (TGSX) của Trung đoàn 429, Sư đoàn 302 (Quân khu 7), chúng tôi "mê" mô hình nuôi cá, nuôi dê, chim cút đẻ trứng... của đơn vị.

Nuôi gà đẻ trứng tại Sư đoàn 302 (Quân khu 7).

Một chiến sĩ vừa ném thức ăn xuống ao cá, lập tức những đàn cá trê, rô phi, cá tra... lao đến đớp mồi tơm tớp khiến bọt nước tung lên trắng xóa. Thượng tá Trần Trọng Anh, Chính ủy Trung đoàn 429 giới thiệu: "Nơi đây, trước là vùng đất trũng bạc màu, cỏ mọc hoang, được đơn vị cải tạo thành ao nuôi cá. Trung đoàn 429 là đơn vị khung huấn luyện dự bị động viên, quân số ít nên chúng tôi đã chủ động chuyển đổi mô hình TGSX theo hướng giảm diện tích trồng rau, mở rộng chăn nuôi và trồng cây dài ngày có giá trị kinh tế cao.

Cách làm này vừa giảm được chi phí, công sức của bộ đội trong TGSX, vừa khắc phục được tình trạng thừa rau xanh cục bộ và tận dụng hiệu quả đất đai cằn cỗi, điều kiện sẵn có của đơn vị, bảo đảm tốt nguồn nước vào mùa khô, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao".

Thực hiện chủ trương trên, đến nay Trung đoàn 429 đã có 5.000m2 mặt nước ao nuôi cá, nuôi 40 con bò, 40 con dê, 20.000 con chim cút đẻ trứng và trồng hàng nghìn cây ăn trái, cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao. Năm 2021, trung đoàn thu hoạch được hơn 12 tấn rau, hơn 8 tấn cá... bảo đảm tự túc 100% rau xanh, 100% cá, 50% thịt... thu lợi từ TGSX hơn 300 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội và xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Không riêng Trung đoàn 429, các đơn vị thuộc Sư đoàn 302 (Quân khu 7) đều đóng quân trên địa bàn mà nguồn nước khai thác tại chỗ nhiều thời điểm khó khăn. Thêm vào đó, trước đây có đơn vị tổ chức TGSX chạy theo phong trào, hình thức, thiếu tính kế hoạch nên sản lượng nhiều nhưng chất lượng một số sản phẩm lại hạn chế; còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ sản phẩm TGSX, nhất là rau xanh.

Trước thực tế đó, năm 2021, sư đoàn thực hiện đột phá về bảo đảm đời sống bộ đội, xác định TGSX hiệu quả là biện pháp then chốt. Toàn sư đoàn chuyển từ phát triển TGSX theo bề rộng sang chiều sâu, tập trung điều chỉnh diện tích trồng rau phù hợp, chú trọng thâm canh; tăng diện tích, năng suất chăn nuôi, trồng cây ăn trái, cây lấy gỗ cho hiệu quả cao.

Đơn vị đẩy mạnh TGSX ở cấp tiểu đoàn đối với trung đoàn đủ quân và cấp trung đoàn đối với các đơn vị khung thường trực. Kế hoạch tổ chức TGSX gắn liền với kế hoạch bảo đảm hậu cần tại các bếp ăn tập trung ở từng cơ quan, đơn vị.

Phòng Hậu cần chủ động tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn tổ chức quy hoạch, xây dựng mô hình TGSX tập trung cấp sư đoàn, chuyển diện tích trồng rau hiệu quả thấp sang chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nước mắm, nước uống tinh khiết...; chuyển diện tích trồng cây cao su kém hiệu quả sang trồng 30ha cây tràm. Các đơn vị chú trọng đa dạng vật nuôi, cây trồng, tích cực thâm canh, chuyên canh, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật, bảo đảm tự túc về con giống, giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị sản phẩm.

Kết quả, năm 2021, Sư đoàn 302 tự túc được 100% rau xanh, bảo đảm từ 70 đến 75% thịt, cá; thu từ TGSX đạt hơn 7 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2020; đưa thêm vào bữa ăn bộ đội bình quân 2.000 đồng/người/ngày. Từ nguồn thu TGSX kết hợp với vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, năm 2021, sư đoàn đã hỗ trợ các đơn vị, địa phương phòng, chống dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Các mô hình TGSX hiệu quả của đơn vị hứa hẹn đem lại nguồn thu bền vững.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top