Cần có cơ chế, chính sách đặc biệt đối với lĩnh vực Công nghiệp quốc phòng, an ninh

14:52 - Thứ Năm, 28/09/2023 Lượt xem: 6307 In bài viết

Ngày28/9, dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tuyên truyền về xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; đại diện Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông…

Triển khai Nghị quyết số 89/2023/ QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội khoá XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Quyết định số 805/QĐ- TTg ngày 6/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó giao Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) trình Chính phủ tháng 7/2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2023.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. 

Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai trình tự, thủ tục theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã tiến hành Tổng kết Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Pháp lệnh Động viên công nghiệp (ĐVCN) và tổng kết kết quả xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh (CNAN) từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay. Trong quá trình soạn thảo, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu các nội dung, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ban ngành; ý kiến các nhà quản lý, các nhà khoa học; đã quán triệt, cập nhật những quan điểm, chủ trương, đường lối mới của Đảng về phát triển CNQP, CNAN và ĐVCN. Đồng thời, tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp các quy định của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật.

Hai Bộ đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về mô hình tổ chức, quản lý, cơ chế, chính sách đối với CNQP, CNAN và ĐVCN; xác định những vấn đề bất cập, trọng tâm cần tháo gỡ, các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện thể chế phải “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo” và phải có cơ chế, chính sách đặc biệt cho những lĩnh vực đặc thù của CNQP, AN.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến.

Sau khi hoàn thiện dự thảo, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi, xin ý kiến 37 đầu mối gồm các bộ, ban, ngành, địa phương; tiến hành đăng tải công khai hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng..., về cơ bản, các ý kiến nhất trí với dự thảo. Ngày 24/8, tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất thông qua Hồ sơ dự án Luật, trong đó nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù theo chủ trương, quan điểm, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN; đồng thời, giao cho Cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 428/ TTr- CP ngày 3/9/2023 của Chính phủ trình Quốc hội.

Ngày 20/9, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khoá XV đã họp, cho ý kiến sơ bộ về Dự án Luật. Hiện nay, Cơ quan chủ trì soạn thảo đang tiến hành hiệu chỉnh, chỉnh lý hồ sơ theo kết luận tại phiên họp và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật).

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Quốc phòng đang hiệu chỉnh, chỉnh lý hồ sơ dự án luật gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra chính thức; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức tại Phiên họp thường kỳ tháng 10.

Dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình 2 kỳ họp.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top