Lữ đoàn Pháo binh 45

Đa dạng phương pháp tuyên truyền, giáo dục truyền thống

14:50 - Thứ Tư, 13/03/2024 Lượt xem: 4833 In bài viết

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3 cách đây 70 năm, Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh (khi đó là Trung đoàn 45), cụ thể là Đại đội 806, Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ bắn phát pháo đầu tiên vào Cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếp theo đó, với chiến thuật bố trí hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung, Trung đoàn 45 đã bắn chính xác, mãnh liệt, phá hủy nhiều công sự, công trình, sân bay, sở chỉ huy, tiêu diệt nhiều sinh lực, hỏa khí của địch, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024) đang đến gần, trên khuôn mặt từng cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 45 càng hiện rõ niềm vinh dự, tự hào...

Trong giờ nghỉ giải lao trên thao trường Đại đội 806, chúng tôi có dịp trò chuyện với một số chiến sĩ mới của Lữ đoàn 45. Khi được hỏi những hiểu biết của bản thân về đơn vị, chiến sĩ mới Đoàn Thành Long, Tiểu đội 15, Trung đội 4, Đại đội 806 dõng dạc: “Báo cáo đồng chí, đại đội tôi là đơn vị bắn phát pháo đầu tiên vào Cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lữ đoàn 45 vinh dự hai lần đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 31-12-1973 và ngày 22-12-2004. Đối với Tiểu đoàn 2 là ngày 23-9-1973; còn Đại đội 806 là vào ngày 20-10-1976. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được học tập, rèn luyện ở một đơn vị có bề dày truyền thống”. Thật đáng ngạc nhiên bởi dù mới chỉ nhập ngũ được hơn hai tuần nhưng các chiến sĩ mới đã nắm được những kiến thức cơ bản về lịch sử, truyền thống của đơn vị, của Quân đội.

Các chiến sĩ mới tham quan, học tập truyền thống của Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh. 

Theo Trung tá Đinh Xuân Tùng, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 45: Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 45 luôn nhận thức rõ công tác giáo dục truyền thống có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên cần được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả nhằm góp phần nâng cao nhận thức của mỗi quân nhân về lịch sử, truyền thống cách mạng của đất nước, Quân đội, đơn vị. Thông qua đó xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng, lòng yêu nước, sự tự hào, ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, chiến sĩ.

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 45 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị không ngừng đa dạng hóa, sáng tạo trong đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục. Đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục theo chương trình cơ bản với giáo dục thường xuyên, xen kẽ các nội dung giáo dục vào trong từng hoạt động đời sống của bộ đội; ứng dụng, phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, công nghệ thông tin; lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào các buổi diễn đàn, tọa đàm, sinh hoạt chính trị, tư tưởng, ngày chính trị và văn hóa tinh thần, ngày pháp luật hằng tháng; thường xuyên tổ chức cho bộ đội tham quan, học tập tại các di tích lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh, địa chỉ cách mạng...

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top