ĐBP - Sáng nay (5/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2022 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03%; kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi; công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo một số nội dung cụ thể, như: Quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; hỗ trợ lãi suất, hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu và giao bổ sung kế hoạch tín dụng cho học sinh, sinh viên để mua máy tính học tập trực tuyến do ảnh hưởng dịch Covid-19…
Thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đến nay còn 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước với số vốn gần 52 nghìn tỷ đồng. Vốn thanh toán đến hết tháng 3/2022 đạt 11,88%, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Đến nay còn 29 bộ, cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, như: Dự án cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… các bộ, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, giải phóng, bàn giao mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương bám sát thực tiễn, chủ động theo dõi chặt chẽ, dự báo, kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ của kinh tế - chính trị. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP; theo dõi chặt chẽ, chủ động nghiên cứu, dự báo, có phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô. Tập trung, ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, kéo dài. Tập trung chỉ đạo tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án; làm tốt công tác quy hoạch, khai thác mỏ và quản lý mỏ khoáng sản. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp; đẩy mạnh phục hồi kinh tế trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển; nâng cao kỷ luật kỷ cương, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung. Chú trọng đầu tư hạ tầng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương khu vực biên giới tăng cường công tác giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia. Bộ Thông tin truyền thông tăng cường công tác thông tin truyền thông, phản bác những thông tin xấu, độc; hướng dẫn công tác phòng, chống dịch; truyền thông các vấn đề an sinh xã hội.