TP. Điện Biên Phủ 30 năm xây dựng và phát triển

Diện mạo đô thị hiện đại, kinh tế phát triển vượt bậc

06:29 - Thứ Sáu, 15/04/2022 Lượt xem: 4376 In bài viết

Lê Thành Đô                    

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

ĐBP - Ngày 18/4/1992 Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ban hành Quyết định số 130/QĐ-HĐBT thành lập TX. Điện Biên Phủ (nay là TP. Điện Biên Phủ) trên cơ sở thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh, huyện Điện Biên để di chuyển tỉnh lỵ từ TX. Lai Châu về TX. Điện Biên Phủ. Từ đó đến nay, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực xây dựng thành phố ngày càng khang trang, to đẹp, hiện đại, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh ta nói riêng... 

Sau khi thành lập, TX. Điện Biên Phủ có diện tích tự nhiên là: 6.300ha, và 25.000 nhân khẩu. Việc thành lập TX. Điện Biên Phủ làm trung tâm tỉnh lỵ là điều kiện lý tưởng để địa phương vươn mình phát triển. Tuy nhiên, để xây dựng thị xã thành đô thị phát triển, đáp ứng tốt các yêu cầu trung tâm tỉnh lỵ trong giai đoạn mới, giai đoạn cả nước tập trung thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Đứng trước những cơ hội quan trọng, cũng như phải đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức, ngay sau khi thành lập, Đảng bộ thị xã đã xây dựng, triển khai hàng loạt nghị quyết, văn kiện chính trị quan trọng, với mục tiêu bao trùm là tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó, tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế theo hướng: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương được xem là yếu tố quan trọng, giữ vai trò là “đòn bẩy” trong xây dựng và phát triển thị xã.

Nhìn lại quá trình 30 năm thành lập, kinh tế thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 1992 - 2000, tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm; giai đoạn 2000 đến nay tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh: Năm 1993 đạt 1,064 triệu đồng/người/năm, đến năm 2021 đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 1993 đạt 1,2 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 406 tỷ đồng. Lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh, tăng bình quân 16%/năm. Các loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Nổi bật là các dịch vụ về du lịch, vận tải hành khách, bưu chính viễn thông, ngân hàng... Hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch được quan tâm đầu tư, nhất là việc xây dựng nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Nhiều di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hầm Đờ-cát. Các danh thắng thiên nhiên như: Hồ Pá Khoang, Khu du lịch sinh thái Him Lam, các điểm du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc… được đưa vào khai thác, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2020, có gần 200.000 lượt khách đến tham quan du lịch, doanh thu 237,6 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển. Toàn thành phố có 4 doanh nghiệp quốc doanh, 91 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 2 hợp tác xã, 904 hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất hàng năm tăng trung bình trên 10% với nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 605,4 lần so với năm 1993 (2,172 tỷ đồng). Sản xuất nông - lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch. Năm 2021, sản lượng lương thực đạt 18.891 tấn, tăng 16 lần so với năm 1993 (1.183 tấn). Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Năm 2021, thành phố có 4/5 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Thanh Minh, Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, hiện đang tập trung xây dựng hoàn thiện các tiêu chí NTM tại xã Pá Khoang. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố hiện có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, có 3/7 sản phẩm đủ điều kiện tham gia xếp hạng cấp tỉnh gồm: Hạt mắc ca Điện Biên, miến dong Hồng Phước, gạo nếp tan Mường Phăng. Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44,2%.

30 năm qua, tổng mức đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội của thành phố gồm: Giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, hệ thống công sở, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa, thể thao, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... đạt gần 20 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống giao thông phát triển nhanh, hiện nay thành phố có 206km, tăng hơn 8 lần so với giai đoạn 1992 - 1995; 100% tuyến đường nội thị được thảm nhựa và bê tông. Cảng Hàng không Điện Biên đang được cải tạo nâng cấp, hiện đã mở mới thêm đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ, tăng số chuyến bay đáp ứng nhu cầu của lượng lớn du khách đến với Điện Biên. Các tuyến đường phố, điểm di tích lịch sử được trồng cây xanh, cây cảnh, cây hoa ban vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa tạo cảnh quan thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp và thu hút khách du lịch. Đến nay 100% hộ dân được dùng điện, hầu hết các tuyến đường phố có điện chiếu sáng, điện trang trí. Nhà máy nước tiếp tục được nâng cấp, 100% hộ dân trung tâm đô thị được cung cấp nước sạch. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển nhanh với nhiều loại hình đa dạng, chất lượng cao. Nhà máy Xử lý nước thải, chất thải được xây dựng với công nghệ hiện đại, hoạt động có hiệu quả, môi trường đô thị được đảm bảo.

Từ năm 2015 đến nay, thành phố được Trung ương và tỉnh quan tâm triển khai nhiều dự án trọng điểm, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội như: Cải tạo nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp, Quảng trường 7/5; Dự án Đường 60m; Hạ tầng kỹ thuật khung; Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; các khu đô thị mới; Cầu C4; Dự án Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đồi F; các dự án thuộc Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc... đã và đang hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, làm cho diện mạo của thành phố thay đổi nhanh chóng, mang vẻ đẹp của đô thị trẻ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả quan trọng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào việc giúp đỡ các hộ nghèo, vùng nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 1993, Điện Biên Phủ có trên 50% hộ dân thuộc diện đói nghèo, đến cuối năm 2021 chỉ còn 1,79%. 

30 năm hình thành và phát triển, những kết quả trong phát triển kinh tế mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP. Điện Biên Phủ đạt được đã góp  phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc; diện mạo đô thị ngày càng khang trang, to đẹp. Kết quả này minh chứng cho sức sống mãnh liệt, bản lĩnh và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của một thành phố trẻ khu vực Tây Bắc Tổ quốc. Trong thời gian tới, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời của Ủy ban MTTQ và các ban ngành đoàn thể cấp tỉnh; sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp; nỗ lực, đoàn kết, thống nhất “Dân với Đảng sát cánh kề vai”, TP. Điện Biên Phủ sẽ sớm trở thành đô thị văn minh hiện đại.

Bình luận

Tin khác

Back To Top