ĐBP - Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ luôn là vấn đề trọng yếu đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Những năm qua, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thực sự là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”. Qua đó, từng bước phát huy vai trò lãnh đạo, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền.
Trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở, với chức năng của mình, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp thiết thực như: Kế hoạch xây dựng củng cố chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, bứt phá phát triển”; đẩy mạnh cải cách nền hành chính Nhà nước trên tất cả các phương diện như: Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của UBND, đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức... Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với công việc.
Một trong những nhân tố quan trọng để xây dựng chính quyền cơ sở là công tác cán bộ, công chức. Chính vì vậy, trong những năm qua, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Theo ông Loan Văn Toàn, Phó phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên (Sở Nội vụ), việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy định được các cấp, ngành quan tâm, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng. Trong công tác tuyển dụng, đề bạt, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định… Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên theo quy định. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tiễn, đã hướng đến các vấn đề thiết thực, nảy sinh trong quá trình thực thi công vụ. Đến nay, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ tại cơ sở. Tính đến nay, tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 2.539 người. Trong đó, trình độ văn hóa từ trung học phổ thông trở lên chiếm 93,68%; tổng số cán bộ, công chức đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ từ sơ cấp (đối với cán bộ) và từ trung cấp (đối với công chức) trở lên chiếm 98,97%. Đến nay, toàn tỉnh có 69 xã có cán bộ, công chức đạt chuẩn theo quy định.
Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuẩn hóa góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền các cấp. Sở Nội vụ đã tham mưu cho tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chính quyền cấp xã, chỉ đạo tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm và cuối nhiệm kỳ. Hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp chuẩn hóa, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, có biện pháp để công chức cấp xã lên các phòng chuyên môn huyện bồi dưỡng kỹ năng. Bố trí công tác phù hợp với năng lực cán bộ, công chức, kịp thời thay thế những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, chất lượng hoạt động chính quyền cấp xã tiếp tục được nâng lên: Năm 2021, có 95/129 xã, phường, thị trấn đạt “trong sạch vững mạnh”, tăng 9,3% so với năm 2020; có 36 đơn vị xếp loại tốt và 93 đơn vị xếp loại khá. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây không còn xã xếp loại trung bình và yếu.
Cùng với kết quả đạt được, hiện nay hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền ở một số cơ sở chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu “chính quyền phục vụ”, thể hiện ở một số vấn đề như: Có thủ tục hành chính chậm được giải quyết; số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân còn nhiều. Nguyên nhân là do tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa cao, chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Vai trò giám sát của cấp ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chưa được đề cao; chưa sát sao chỉ đạo kịp thời những nội dung còn bất cập trong quá trình hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương và trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức làm chưa tốt…
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong thời gian tới Sở Nội vụ tham mưu tỉnh thực hiện hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cấp xã từng bước xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh toàn diện. Tổ chức rà soát số lượng, chất lượng, công tác tuyển dụng công chức cấp xã; việc quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng chính quyền cơ sở. Đẩy mạnh việc thực hiện tinh giản biên chế, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, bổ nhiệm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, giám sát chặt chẽ của HĐND, Ủy ban MTTQ, đoàn thể các cấp và của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Đồng thời, tiếp tục đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của chủ tịch UBND các cấp, hướng đến xây dựng quy chế đánh giá kết quả thông qua một số tiêu chí cụ thể về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.