Vấn đề tuần này

Xoa dịu nỗi đau da cam

07:13 - Thứ Năm, 11/08/2022 Lượt xem: 4669 In bài viết

ĐBP - Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng thuốc diệt cỏ (chất khai quang) để kiểm soát, ngăn chặn hoạt động của lực lượng kháng chiến, chủ yếu bằng cách tiêu diệt các cánh rừng để bộ đội, du kích và cán bộ cách mạng không còn chỗ trú ẩn, lộ ra các con đường vận tải, các căn cứ quân sự của ta, phá hủy mùa màng, làm cho ta không có lương thực dự trữ… để đánh địch. Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam.

Trong 10 năm (1961 - 1971), Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc màu da cam rải xuống 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, tập trung ở các khu vực như: Bến Tre, Cần Thơ, Mỹ Tho, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và nhiều vùng ở Tây Nguyên. Thành phần chất độc da cam có chứa chất dioxin, là một chất độc cực mạnh, khó phân hủy, có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây cối bị hủy diệt. Chất độc dioxin không chỉ gieo rắc cái chết mà còn để lại những di chứng nặng nề cho nhiều thế hệ sau của người bị nhiễm.

Trong cuộc kháng chiến đó, cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Với tỉnh ta, hiện có 274 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học. Chứng kiến các mảnh đời bị nhiễm dioxin mới đau đớn, xót xa. Mỗi khi trái gió trở trời là toàn thân họ đau nhức, có trường hợp lên cơn động kinh, đập phá nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Con cái họ thì thiểu năng trí tuệ, thiếu hụt tứ chi, phát triển không hoàn thiện… Chất độc da cam/dioxin đang gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể; gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh, gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản… Hiện di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3.

Do ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam nên phần lớn các gia đình có người nhiễm dioxin có đời sống vật chất, tinh thần vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Đa số hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc diện nghèo, đói. Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói, nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều hộ dân, gia đình phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Do vậy, mỗi người dân chúng ta cần tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; động viên, khích lệ các nạn nhân và thân nhân của họ vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân… ủng hộ quỹ “Nạn nhân chất độc da cam”, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội… giúp đỡ nạn nhân và gia đình có người nhiễm dioxin. Cùng với đó là sớm quan tâm, có các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết chế độ chính sách cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhất là những người đang bị thiếu, thất lạc giấy tờ trong quá trình tham gia kháng chiến; đối tượng thế hệ thứ 3 - là cháu của họ. Thực tế hiện nay còn nhiều trường hợp người dân bị nhiễm chất độc da cam; con, cháu của họ bị di chứng bởi dioxin rất nặng nề, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng chưa được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, do thiếu các giấy tờ, thủ tục liên quan theo quy định.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top