Nhiều giải pháp quản lý Nhà nước về tôn giáo

06:10 - Chủ Nhật, 14/08/2022 Lượt xem: 5427 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tôn giáo chính đang hoạt động bao gồm: Tin lành, Công giáo, Phật giáo và Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam. Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 13.682 hộ với 77.150 người tham gia hoạt động tôn giáo, cư trú tại 537 thôn, bản, tổ dân phố; 113 xã, phường, thị trấn; 10/10 huyện, thị xã, thành phố; gồm 08 dân tộc (Mông, Dao, Thái, Sán Chỉ, Hà Nhì, Thổ, Kinh, Xạ Phang); sinh hoạt 422 điểm nhóm, trong đó 337 điểm nhóm đã được chính quyền cơ sở chấp thuận sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa, vận động người dân theo đạo cư trú tại bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) ký cam kết thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Những năm qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản diễn ra ổn định, thuần túy và tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo. Chính quyền các cấp luôn quan tâm hướng dẫn, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tổ chức, chức sắc, điểm nhóm tôn giáo. Các chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo tham gia ngày càng nhiều vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, từ thiện xã hội, nhân đạo...

Bên cạnh những mặt tích cực, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số tà đạo, hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo như: Tâm linh Hồ Chí Minh (151 người), Hội Thánh Đức Chúa Trời (11 người); Bà cô Dợ (203 người); Giê Sùa (20 người), Đức Chúa Trời Toàn Năng (24 người), Pháp Môn Diệu Âm (7 người)... Các nhóm, phái tà đạo thường lôi kéo người tham gia, tuyên truyền mê tín dị đoan, lợi dụng mạng xã hội như zalo, facebook chia sẻ bài viết, bài tập, vu cáo một số cơ quan chức năng trong tỉnh phân biệt đối xử với người tập luyện Pháp Luân Công. Bên cạnh đó, các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục móc nối với một số chức sắc tôn giáo cực đoan ở trong nước và trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống Đảng, Nhà nước.  

Để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về tôn giáo, các cơ quan chức năng, trong đó Sở Nội vụ là đơn vị chủ quản đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp, nắm chắc tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn; giải quyết hiệu quả việc quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo được hoạt động, sinh hoạt; việc thuyên chuyển, bổ nhiệm, phong chức, phong phẩm, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và hoạt động của các chức sắc tôn giáo; kịp thời ngăn chặn các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tranh thủ phát huy vai trò các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong công tác vận động tín đồ không tin theo luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, không di cư, không xuất cảnh trái phép; không tập trung đông người gây rối an ninh trật tự. 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã xem xét giải quyết 12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn tỉnh giải quyết 11 thủ tục hành chính về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 9 điểm nhóm Tin lành và 1 điểm nhóm thuộc Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam; 1 điểm nhóm Công giáo, nâng tổng số điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là 348/432 điểm nhóm.

Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về tôn giáo. Nội dung truyên truyền tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật như: Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 10/6/2016 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng đối với công tác tôn giáo”; Kế hoạch số 41-KH/TU, ngày 07/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới... Biện pháp tuyên truyền là sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các cuộc họp của tổ dân phố, thôn, bản, tiếp xúc cử tri. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tổ chức được 4 hội nghị cho 315 cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cấp xã, phụ trách thôn, bản và một số trưởng điểm nhóm. Qua đó, nhân dân, các tín đồ tôn giáo hiểu và chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật trong sinh hoạt và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh, phản bác các luận điệu  xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, các đối tượng xấu và tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận

Tin khác

Back To Top