Góc nhìn - Tiêu điểm
ĐBP - Anh trưởng bản một bản vùng cao cách TP. Điện Biên Phủ gần bốn mươi cây số gọi điện mời tôi ngày 2/9 lên bản ăn Tết Độc Lập. Trong lời mời chân thành, anh còn nhắn nhủ “Năm nay bán được nhiều dứa, nhà nào cũng vui nên ăn mừng “to” đấy. Anh nhớ đến nhé!”
Tôi đã nhiều lần được chung vui Tết Độc Lập với bà con người Mông, người Thái. Hầu như năm nào cũng vậy, nếu không đi huyện xa thì ở các bản quanh lòng chảo Mường Thanh. Tùy điều kiện từng bản, từng hộ mà làm cỗ to hay nhỏ. Nhưng ấn tượng chung, rất sâu đậm, là tinh thần lạc quan, yêu đời, sự tri ân qua những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh của bà con.
Ngày quốc khánh thì quốc gia nào cũng có. Ngày này người lao động được nghỉ làm việc để nghỉ nghơi, vui chơi, tham gia các hoạt động kỷ niệm. Với Nhân dân Việt Nam, ngày quốc khánh cũng rất thiêng liêng, và hơn thế bà con các dân tộc gọi đó là “Tết Độc Lập”. Tết Độc Lập đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống Nhân dân ta suốt gần 80 năm qua.
Lễ mừng Quốc khánh luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức kỷ niệm long trọng. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức để các tầng lớp nhân dân giao lưu, vui chơi. Qua đó thể hiện lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã mang lại độc lập, tự do. Đồng thời tăng cường tình đoàn kết, cổ vũ tinh thần thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; phát triển quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Ngoài ý nghĩa chung, với đồng bào các dân tộc thiểu số thì Tết Độc Lập lại có đặc thù riêng.
Tại các địa điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, văn nghệ, thể thao, vui chơi… trong dịp tết Độc Lập thu hút nhiều người, thuộc nhiều thành phần dân tộc. Nhưng thể hiện đúng ý nghĩa của từ “đi chơi tết” thì dường như chỉ thuộc về bà con dân tộc thiểu số. Dịp này, người dân vùng cao sẽ tạm gác công việc, diện trang phục đẹp, nô nức “hạ sơn” về trung tâm các huyện lỵ, thị xã, thành phố để vui chơi. Một bức tranh đầy sắc màu được dệt nên bởi cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng trên những tuyến phố hòa cùng hoa văn thổ cẩm trên váy áo của bà con dân tộc thiểu số. Họ vui chơi tại các điểm công cộng, đi xem hoặc mua hàng hóa, đồ dùng, cùng nhau thưởng thức đồ ăn thức uống gì đó nơi đô thị…
Còn tại thôn, bản, hộ gia đình, ngày Tết Độc Lập ngoài việc được dọn dẹp, treo cờ Tổ quốc thì hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn. Có thể là thịt gà, vịt nuôi trong vườn, bắt cá dưới ao, hoặc vài nhà chung nhau một con lợn. Thậm chí, có năm được mùa sản xuất dân bản còn chung nhau mổ trâu ăn mừng Tết Độc Lập. Mọi người quây quần bên mâm cơm đoàn viên, trước hết nghe trưởng họ hoặc chủ nhà nói lý do tổ chức bữa cơm liên hoan, bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ sau đó cùng chúc nhau sức khỏe, làm việc, học tập tốt. Sau bữa tiệc là đến các tiết mục ca hát. Không khí náo nhiệt mà đoàn kết ấm áp.
Truyền thống “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” đã được gìn giữ, giáo dục, phát huy suốt 77 năm qua. Và mỗi dịp đến Tết Độc Lập, cho dù điều kiện vùng cao miền núi còn nhiều khó khăn, đời sống còn vất vả thì đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ghi nhớ, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam!