Đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Thủ tướng Chính phủ

19:02 - Thứ Bảy, 05/11/2022 Lượt xem: 4310 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (05/11), kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Quàng Thị Nguyệt tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

“Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cử tri cả nước hết sức quan tâm, rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thiếu và các quy định hiện hành thì có rất nhiều điều kiện, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng được các điều kiện này. Xin Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không?” - đại biểu Lò Thị Luyến đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lò Thị Luyến, Thủ tướng Chính phủ cho biết,  trước hết phải tháo gỡ vấn đề về nguồn lực, tháo gỡ cơ chế nguồn lực để có hợp tác công tư. Các bộ, ngành cũng đã đề xuất vấn đề này, ví dụ đơn cử như việc một doanh nghiệp muốn mua nhà để cho công nhân thuê lại thì hiện tại cũng đang vướng về Luật Đất đai. Do đó, phải rà soát lại luật pháp liên quan đến nội dung này. Về phương thức giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, các nước đã triển khai theo ba phương thức: một là mua, hai là thuê và ba là thuê mua. Hiện nay chúng ta chưa thực hiện được phương thức thuê mua.

Về vấn đề quy hoạch để giải quyết nhà ở xã hội, hiện nay quy định cứ dự án phát triển nhà ở, ví dụ như dự án chung cư cao cấp cũng phải dành 20% để làm nhà ở xã hội, dẫn đến những bất cập về hạ tầng và về các dịch vụ khác. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tới đây phải tính toán, cải tiến cho phù hợp, vừa đảm bảo được xây dựng khu đô thị, vừa đảm bảo nhà ở xã hội, sát với thực tiễn và khả thi hơn.

Tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quàng Thị Nguyệt nêu ý kiến: “Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập nặng khi mưa lớn, triều cường. Xin Thủ tướng cho biết, trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông, nhà ở đã cập nhật như thế nào? Các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết như thế nào cho một quốc gia đất hẹp, người đông với trên 3.000km bờ biển? Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng; Thủ tướng Chính phủ có chiến lược, giải pháp nào để thực hiện thành công nhiệm vụ này?”.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trước câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, Việt Nam là một trong số những nước chịu ảnh hưởng lớn bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu, chúng ta phải nhận thức và hành động tương xứng với những vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động đến nước chúng ta, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, không những sạt, lở mà còn lún và nước biển dâng cao...

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khảo sát, đánh giá lại toàn bộ tác động của biến đổi khí hậu tới đất nước ta như thế nào, nhất là các vùng trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và những khu vực sạt lở đất của miền núi phía Bắc. Giải pháp tới đây phải quan tâm đó là xây dựng thể chế, đảm bảo nguồn lực, tăng cường quản trị quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này.

Về phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong nhiệm kỳ này chúng ta đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, nhiệm kỳ trước chúng ta dự kiến 165.000 tỷ nhưng chỉ huy động được 134.000 tỷ, như vậy là ngân sách dự kiến bố trí gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông, Chính phủ đang tổng kết việc đầu tư theo hình thức BOT và nghiên cứu thêm về hình thức BT để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng chiến lược nói chung.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top