Nhân ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3-1954):

Chiến công lớn chia lửa với tiền tuyến

15:24 - Thứ Tư, 13/03/2024 Lượt xem: 4954 In bài viết

Vào ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn. Tuy nhiên, trước khi chiến dịch diễn ra, quân ta đã chủ động tấn công vào các sân bay lớn nhất miền Bắc của địch.

Và câu chuyện “quy đổi thành tích” trong ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (khi đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn) đã cho thấy tầm nhìn và tư duy chiến lược: Tấn công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực khiến địch khó bề cứu viện vẫn được lưu truyền...

Máy bay bị phá hủy trong trận tập kích sân bay Cát Bi. Ảnh tư liệu

Nhiệm vụ ngăn khả năng cứu viện của địch

Sau gần 8 năm trở lại xâm lược Việt Nam (1945-1953), thực dân Pháp không những không thực hiện được mục tiêu của chúng, mà còn bị sa lầy trước ý chí đấu tranh quật khởi của quân và dân ta.

Để xoay chuyển tình thế, ngày 7-5-1953, chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre, người có kinh nghiệm trận mạc “dày dạn” làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Navarre đã cho ra đời bản kế hoạch tác chiến mang tên “Kế hoạch Navarre”. Mục tiêu là trong kế hoạch Thu - Đông (1953) và Xuân (1954), quân Pháp sẽ quyết giữ thế phòng ngự trên chiến trường miền Bắc, tiến công để bình định miền Trung và miền Nam Đông Dương, xóa vùng tự do Trung - Trung Bộ. Mục tiêu cuối cùng là “giành thắng lợi quân sự” hòng đi đến đàm phán kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Nắm bắt được chủ trương này của đối phương, Đảng ta thông qua Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã sớm vạch ra một kế hoạch cực kỳ sáng tạo và thông minh: Đánh phủ đầu gây thiệt hại thật to lớn về không lực để Pháp khó bề chi viện cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chúng ta xác định, muốn tấn công và đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trước tiên phải tìm cách xóa bỏ các sân bay của địch để chúng không còn khả năng cứu viện. Đặc biệt, thời điểm đó, máy bay đều chưa thể bay xa nên chỉ cần phá hủy các sân bay ở miền Bắc là phần nào yên tâm.

Trong cuốn Hồi ký của mình, cố Trung tướng Đặng Kinh (1921-2019), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp kể, khi đó ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Kiến An. Một lần, ông được ông Ngạn (bí danh của đồng chí Đỗ Mười, sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn gọi sang Thái Bình làm việc.

Ông Ngạn quán triệt về việc cần bí mật tuyệt đối chuyện quân đội ta chuẩn bị tập kích 2 sân bay lớn nhất miền Bắc là Cát Bi (Kiến An, Hải Phòng) và Gia Lâm (Hà Nội). Việc tập kích sân bay Cát Bi được giao cho Tỉnh đội Kiến An. Bí thư Khu ủy nói: “Ta phá được 50 chiếc là xem như hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc”.

Tỉnh đội trưởng Kiến An Đặng Kinh nhẩm tính: “Với sự chuẩn bị như hiện tại (tập giả định và phân công trên sa bàn và tập chạy mỗi ngày 30km, tập vác nặng suốt 8 tháng trời), việc tiêu diệt 50 chiếc máy bay trên không quá khó khăn”.

Khi nhận chỉ đạo, Tỉnh đội trưởng Kiến An Đặng Kinh đã thẳng thắn “hỏi ngược” Bí thư Khu ủy về cách quy đổi thành tích cho cán bộ, chiến sĩ tham gia đánh trận, bởi việc tiêu hủy được máy bay không dễ dàng và địch có đến 3 nghìn quân lính bảo vệ. Trong khi đó, hầu hết cán bộ, chiến sĩ tham gia đánh trận này không mấy ai từng được sờ vào máy bay địch (trừ mấy đồng chí từng đánh trận sân bay Kiến An nhỏ lẻ hồi tháng 1-1954).

Tỉnh đội trưởng Kiến An Đặng Kinh hỏi:

- Nếu anh em phá được 1 chiếc máy bay thì sẽ được quy đổi ngang việc tiêu diệt bao nhiêu tên Pháp?

Bí thư Ngạn bật cười, nói vui:

- Cứ mỗi máy bay bị triệt phá, ta sẽ cho quy đổi ngang bằng tiêu diệt 1 trung đội lính Âu - Phi.

Tỉnh đội trưởng Kiến An Đặng Kinh “giao hẹn sòng phẳng”: “Nếu chúng tôi phá hủy 50 chiếc tức là đã tiêu diệt 50 trung đội. Cứ 10 trung đội ngang một tiểu đoàn. Vậy, nếu chúng tôi hoàn thành chỉ tiêu anh giao nghĩa là chúng tôi đã đánh 1 trận mà tiêu diệt được những 5 tiểu đoàn lính bộ binh Âu - Phi?” - ông Đặng Kinh kể trong hồi ký...

Bí thư Khu ủy cười, đồng ý và hỏi Tỉnh đội trưởng Đặng Kinh: “Cậu định dùng bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ?”. Ông Đặng Kinh cho con số tức thì: “Tôi cần 30 người”.

Cố Trung tướng Mai Năng, người 2 lần được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Tổ trưởng một tổ trinh sát sân bay Cát Bi năm xưa từng kể: “Xung quanh sân bay Cát Bi năm đấy có 78 đồn bốt, tháp canh, chia làm 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, có 6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn, hàng ngàn đèn điện, mấy chục ngọn đèn pha chiếu quét làm cho sân bay đêm cũng như ngày, một con chuột nhắt chạy qua cũng bị phát hiện. Cứ 15 phút lại có 1 trung đội Âu - Phi được trang bị cơ giới và chó nghiệp vụ tuần tra quanh sân bay. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của một thiếu tướng Pháp và cố vấn Mỹ.

Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho sân bay, bọn địch đã dựng một “vành đai trắng” xung quanh. Hệ thống đồn bốt dọc trục đường 14 đi Đồ Sơn cũng là một lực lượng bảo vệ sân bay chiến lược này từ xa”. Ngoài ra, địch có hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ bay và 50 cố vấn Mỹ. Chúng được trang bị 25 trọng liên, 15 khẩu cối 81mm. Sân bay này khi đó được coi là thuộc dạng lớn nhất nước, với sức chứa 500 máy bay. Nhưng lúc đó, Pháp chỉ có 277 chiếc, đậu cách nhau 50m...

Theo sơ đồ tác chiến, với 32 người tham gia sẽ có 24 người chuyên đánh. Mỗi người gài bộc phá kịp 3 chiếc máy bay thì đã có thể đoạt 72 chiếc trong 15 phút (đúng chu kỳ lính gác quay lại). Nhưng trong chiến đấu, theo Tỉnh đội trưởng Đặng Kinh sẽ có rất nhiều tình huống bất ngờ không thể lường trước, như do sai sót chủ quan, do kíp nổ không bảo đảm... nên đơn vị đặt mục tiêu tiêu diệt khoảng 60 chiếc máy bay... Đơn vị cũng nêu rõ: Nếu ai phá được 3 máy bay địch và chạy nhanh nhất về hậu cứ an toàn thì người đó sẽ được thay mặt đơn vị lên chiến khu báo cáo thành tích với Bác Hồ.

Một trong những chiến công oanh liệt

Để chuẩn bị cho trận đánh, Tỉnh đội Kiến An đã chuẩn bị hàng tháng trời. Quá trình luyện tập chuẩn bị cho trận tập kích rất vất vả. Cán bộ, chiến sĩ tham gia phải tập chạy bộ gần 30km/ngày với trang bị đầy đủ súng đạn, yêu cầu không phát ra tiếng động... Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, các chiến sĩ đều xác định được tư thế, động tác, khối lượng thuốc nổ đánh máy bay đỗ như thế nào… để bảo đảm hiệu quả cao nhất khi tác chiến.

Trước khi đánh Cát Bi, chúng ta cử một đội tiến hành trinh sát sân bay thành nhiều đợt. Chúng ta đã nắm được đặc điểm về bố phòng của địch, từ hàng rào, bãi mìn đến các công sự, đặc biệt là vị trí máy bay trên sân bay. Do kiểm đếm và nắm tương đối chắc tình hình nên khi vào đánh là thắng ngay.

Với cách tính toán khoa học, chính xác nên dù các cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh này đều chưa từng được đào tạo qua trường lớp quân sự chính quy nào nhưng họ đã làm nên thành công của trận đánh. 1h sáng ngày 7-3-1954, tiếng nổ của lựu đạn và bộc phá bất ngờ vang dội cả sân bay Cát Bi.

Suốt 17 giờ đồng hồ, sân bay Cát Bi ngùn ngụt trong biển lửa và tiếng nổ dữ dội. 59 máy bay địch bị phá hủy. Đơn vị thực hiện trận đánh đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Sau trận đánh, đơn vị được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng danh hiệu Đoàn dũng sĩ Cát Bi cùng Huân chương Quân công hạng Nhất. 30 người được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Hai người được thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Chỉ huy trưởng Đặng Kinh được thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì...

Ngay sau ngày chiến thắng Cát Bi, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen. Trong bức điện đó có đoạn: “Đây là chiến công lớn, là một trong những trận chiến đấu oanh liệt dũng cảm, đánh thẳng vào nơi trung tâm quân sự giặc ở sát Hà Nội và Hải Phòng. Tinh thần dũng cảm vô song của các đồng chí nêu cao cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong toàn quân học tập”.

Đúng một tuần sau, ngày 13-3, quân ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi của trận đánh này khiến khâu tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên của địch gặp vô vàn khó khăn, do các phương tiện chiến tranh và binh lực của Pháp đều chuyển về cảng Hải Phòng và Cát Bi là cầu hàng không duy nhất đưa hàng lên Điện Biên. Cũng sau trận đánh ấy, sức mạnh của lực lượng không quân Pháp tại phía Bắc kém hẳn. Có thể nhìn nhận, Hà Nội và Kiến An đã gián tiếp chia lửa với mặt trận Điện Biên Phủ lúc sắp khai hỏa; giúp chúng ta không phải kéo dài chiến dịch...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top