Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng

09:04 - Thứ Ba, 26/03/2024 Lượt xem: 3313 In bài viết

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, nhất là các bộ, ngành chủ trì xây dựng, rà soát lại nội dung các dự thảo luật, nghị quyết nhằm đảm bảo tính phù hợp và thể chế hóa tối đa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề liên quan...

Ngày 25/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024 để cho ý kiến vào 3 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng luật.

Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

 Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ thảo luận về: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi); Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 24 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Từ đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến đối với 14 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Công tác xây dựng, ban hành pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, đổi mới và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vẫn còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế cần được tháo gỡ để khơi thông nguồn lực cho phát triển; đồng thời, cần có cơ chế, chính sách mới để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Cùng với xây dựng các luật, các bộ, ngành cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư để cụ thể hóa các luật. Trong đó cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư cụ thể hóa các luật về đất đai, bất động sản, nhà ở, tín dụng..., phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền, sớm triển khai thực hiện các luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề nội dung mới, còn "vướng", quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (sửa đổi); Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.

Đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (sửa đổi), Chính phủ thảo luận sôi nổi về phạm vi điều chỉnh của Luật; việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài vào Luật; giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy đối với công trình cải tạo; trách nhiệm thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy…

Tại Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các thành viên Chính phủ thảo luận làm rõ về sự cần thiết về xây dựng luật, mối quan hệ, tính đồng bộ hoặc chồng chéo giữa luật với các luật khác liên quan công tác quy hoạch; phân tích, làm rõ nội hàm chính sách về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, tính chất, vai trò của các loại quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; phân loại đô thị gắn với quy mô, tính chất đô thị; mở rộng đối tượng lập quy hoạch không gian ngầm; phân cấp, phân quyền trong quy hoạch đô thị và nông thôn…

Về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Chính phủ thảo luận sâu về các vấn đề còn ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh đối với quản lý hoạt động chế biến khoáng sản; phân cấp, phân quyền quản lý khoáng sản; phân nhóm khoáng sản và phân cấp trong cấp phép khai thác khoáng sản; quy định về việc Nhà nước đầu tư khai thác các khoáng sản chiến lược, quan trọng, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản của đất nước; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, khai thác khoáng sản.

Đối với Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp, các đại biểu cho rằng việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan nhà nước.

Các thành viên Chính phủ cho rằng Nghị quyết cần quy định cụ thể các tiêu chí để lựa chọn các Phòng Tư pháp tham gia thí điểm; trình tự, thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp tra cứu xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp; về việc thu, sử dụng phí giải quyết thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp; về phạm vi cấp Phiếu…

Về Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp - Luật 69 (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi Luật nêu trên là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Trong đó, Chính phủ đã tập trung thảo luận về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; việc sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quy định về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; công tác quản trị doanh nghiệp…

Cùng với cho ý kiến vào từng nội dung các dự thảo xây dựng luật, nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, nhất là các bộ, ngành chủ trì xây dựng, rà soát lại nội dung các dự thảo luật, nghị quyết nhằm đảm bảo tính phù hợp và thể chế hóa tối đa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề liên quan; tính đồng bộ, phù hợp giữa các luật, nghị quyết với các luật, quy định đã ban hành, tránh xung đột, mâu thuẫn. Đặc biệt, các luật, nghị quyết phải khai thác tối đa nguồn lực của đất nước; tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, tránh “xin - cho”.

“Các bộ, ngành phải làm rõ, tại các dự án luật, nhất là các luật sửa đổi, nội dung nào cần giữ lại, nội dung nào là mới, nội dung nào cần hoàn thiện, nội dung nào phải lược bỏ. Các dự án luật phải được xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; giảm các thủ tục hành chính”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng có tác động; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng luật, nghị quyết.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh truyền thông để lấy ý kiến rộng rãi của mọi người dân, đồng thời phân tích, giải tích để người dân hiểu sâu sắc các nội dung liên quan để đóng góp hoàn thiện pháp luật và đồng thuận khi luật đi vào cuộc sống…/.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top