Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Những điểm tựa của bản làng biên giới Điện Biên

20:45 - Thứ Bảy, 12/10/2024 Lượt xem: 3096 In bài viết

ĐBP - Từ những bản đói nghèo và nỗi ám ảnh bởi hủ tục, ma túy… Giờ đây, cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nơi cực Tây Tổ quốc đã bước qua “những gam màu tối”, những bản làng hiển hiện màu xanh của sự ấm no. Một hành trình bước qua bóng tối bắt nguồn từ tinh thần, trách nhiệm của những cây đại thụ, là cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”; họ luôn là “ngọn lửa” soi sáng, dẫn lối, trực tiếp cùng Nhân dân dựng xây bản làng bình yên, phát triển… Chuyện chúng tôi ghi trên hành trình tác nghiệp ở 29 xã biên giới (tỉnh Điện Biên) về tinh thần “chân đi, miệng nói, tay làm” của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín - những người luôn hết lòng vì cuộc sống cộng đồng.

Bài 1: Đối đầu, xóa bỏ hủ tục

Trong “cuộc chiến” bài trừ hủ tục, xóa bỏ tệ nạn ma túy… xây dựng nếp sống văn minh nơi rẻo cao tỉnh Điện Biên nói chung, các xã biên giới nói riêng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT). Bằng uy tín, trách nhiệm, sự gương mẫu, tiếng nói của những già làng, trưởng bản, NCUT như “ngọn lửa” soi sáng, giúp đồng bào vươn lên.

Mình phải làm gương…

Cơn mưa rừng vẫn rả rích rơi. Theo chân cán bộ xã, tôi tìm đến nhà già làng Vàng Giống Chá, đảng viên, NCUT bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ). Trong ngôi nhà gỗ mái thấp, diện lên mình bộ trang phục dân tộc Mông truyền thống, già Chá cười sảng khoái bảo: “Đã là nét đẹp truyền thống thì mình phải bảo tồn, gìn giữ còn hủ tục phải kiên quyết bài trừ, từ bỏ thì cuộc sống mới tốt lên được!”. 71 năm tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác từ Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mường Nhé, bí thư chi bộ, già Chá là người chứng kiến đổi thay đột phá của người Mông nơi đây.

Đôi mắt đượm buồn, nhớ lại những ngày cũ của bản Mông, mà chính bản thân già Chá cũng không vượt qua được “lệ làng”. Già Chá bồi hồi: Ngày trước, không ít các hủ tục đã bám rễ sâu trong đời sống người Mông ở Mường Nhé, Nậm Pồ như: Bắn súng báo hiệu có người qua đời; không bỏ người chết vào trong quan tài mà được đưa lên cáng treo giữa nhà nhiều ngày, mổ nhiều trâu, bò làm lý để báo hiếu với người quá cố... Ngay nhà mình, khi bố đẻ qua đời năm 1999, dưới những hủ tục và áp lực của các bậc cao niên trong họ, cũng không để bố vào quan tài, 7 ngày sau mới mang đi chôn cất, tổ chức đám tang tốn kém!.

Duy trì những hủ tục không chỉ khiến đời sống bà con đói nghèo lạc hậu triền miên, mà còn làm môi trường, sức khỏe bị đe dọa… Vượt qua sự định kiến, khi mẹ qua đời, già Chá đã kiên quyết, tiên phong đưa thi thể mẹ vào quan tài ngay sau khi khâm liệm; đồng thời tổ chức nghi lễ cúng, đưa đi chôn cất trong 48 giờ. Già Chá kiên định bảo: Dù bị anh em trong dòng họ và ngay trong gia đình phản đối, không đồng tình ủng hộ. Nhưng mình phải làm gương thì mới vận động được bà con làm theo.

Không chỉ là người dẫn đường, già Chá còn lặn lội đi khắp các bản trên, xóm dưới có đồng bào Mông sinh sống để tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục trong tang ma. Cùng với đó, già Chá tìm gặp các bậc cao niên, trưởng dòng họ, người có tiếng nói trong cộng đồng người Mông để thuyết phục họ cùng chung tay xóa bỏ hủ tục. Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn cho biết: “Già Chá là người góp công rất lớn trong việc xây dựng nếp sống văn hóa của người Mông nơi rẻo cao này. Đến nay 100% đám tang người Mông trong xã đều đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước nữa; 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm đáng kể”.

Bên cạnh xóa bỏ những hủ tục, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được già làng, trưởng bản, NCUT tuyên truyền gìn giữ và phát triển.

Câu chuyện dài về việc đưa nếp sống văn hóa mới trong tang lễ của đồng bào nơi đây được ví như “kỳ tích” giữa đại ngàn.

Cứu sinh những phận đời

Điện Biên những năm 1995 của thế kỷ trước, việc trồng cây thuốc phiện rất phổ biến ở các huyện vùng cao, biên giới. Trồng thuốc phiện để làm giàu, hút thuốc phiện “thay cơm” và ai cũng có thể hút thuốc phiện, từ người già đến thanh niên và cả phụ nữ. Hồi ấy, ở xã biên giới Sín Thầu (huyện Mường Nhé) - nơi “thâm sơn cùng cốc” hàng trăm trai tráng vốn khỏe mạnh cũng bị khói thuốc của “nàng tiên nâu” làm mê muội, khiến cuộc sống rơi vào cảnh đói nghèo, tuyệt vọng.

Sín Thầu ngày ấy, chỉ vỏn vẹn có hơn 100 nóc nhà thuộc 3 bản: A Pa Chải, Tả Kố Khừ, Sen Thượng nhưng có tới gần 110 người nghiện. Với quyết tâm, đưa cuộc sống người dân trở lại ánh sáng; NCUT Sừng Sừng Khai (dân tộc Hà Nhì), bản A Pa Chải khi ấy là Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã đã lĩnh “ấn” tiên phong, cùng với cấp uỷ, chính quyền, bộ đội biên phòng kiên quyết xoá bỏ vấn nạn ma tuý.

Ông Sừng Sừng Khai kể lại: Việc đưa người nghiện đi cai khi ấy được xem là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi họ không hợp tác, chống đối kịch liệt, khi chúng tôi đến nhà người thì bỏ lên rừng, người thì kích động ném đá tổ công tác... Tuy nhiên, với ý chí sắt đá, không khuất phục trước “nàng tiên nâu”, tổ công tác đã chia thành các nhóm, tỏa đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí sử dụng biện pháp mạnh để người dân tự giác phá bỏ cây thuốc phiện, giúp người lầm lỡ đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”.

“Mưa dầm thấm lâu”, từ những câu chuyện trên nương, bên bếp lửa hồng, ông Khai và tổ công tác đã được Nhân dân tin tưởng, đưa lên nương tự tay phá bỏ 1ha cây thuốc phiện. Các đối tượng nghiện hút, lần lượt đăng ký tham gia cai nghiện ma túy. “Đối với người khoẻ mạnh thì chúng tôi đưa lên huyện cai; những người già có tuổi, ốm yếu thì cai tại xã, tại nhà. Chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của bộ đội biên phòng, hỗ trợ quản lý người nghiện, cung cấp thuốc men. Sau những đợt cai nghiện đã có hàng chục người được cứu sinh, đoạn tuyệt hẳn với “nàng tiên nâu” - ông Khai chia sẻ.

Đang dở câu chuyện, có tiếng xe máy vào nhà. Ông Khai cười phá lên bảo: “Nó đấy, thằng Sừng P. T., người cùng bản, trước đây nghiện nặng lắm, người gầy như một cây củi khô, suốt ngày chỉ nằm dài. Từ ngày bỏ được thuốc phiện, nó chăm chỉ làm ăn, rồi có của ăn của để, gia đình giờ khá giả lắm!. Con cháu học hành đầy đủ, có người còn làm cán bộ xã đấy.

Chuyện đã cũ ở bản, nhưng không cũ với Sừng P.T. Nắm chặt tay ông Khai, ông T. từ tốn nói: “Nếu không có bác Khai vận động, thuyết phục đưa mình đi cai nghiện thì có lẽ giờ đây mình đã chết rồi!”. Không biết lấy gì để trả hết ân tình của bác Khai và cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng đã “cứu sinh” nên mình tìm cách đền đáp bằng việc nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng thành công mô hình nuôi bò, trồng sa nhân... với thu nhập trên 70 triệu đồng/năm; tích cực vận động con cháu, người dân trong bản tránh xa ma túy. Cùng nhau vun đắp nghĩa tình bản mường, xây dựng quê hương Sín Thầu ngày càng ổn định, phát triển nơi phên giậu cực Tây Tổ quốc.

Bài 2: Dành trọn tâm sức dựng xây bản làng

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top