Một số món ăn ngon ở Cao Bằng

14:14 - Thứ Hai, 24/10/2022 Lượt xem: 5980 In bài viết

Bánh áp chao

Bánh áp chao là loại bánh dân dã, đặc biệt thơm ngon khi thưởng thức vào những ngày thời tiết se lạnh. Vỏ bánh được làm từ hỗn hợp bột gạo nếp, gạo tẻ và khoai môn bào sợi. Nhân làm từ thịt vịt hoặc thịt lợn thái mỏng. Để nặn bánh, người ta cho bột vào khuôn, đặt thịt lên trên rồi bọc thêm một lớp bột và rán. Khi bánh chín sẽ nổi lên, hai mặt vàng ruộm; được thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt, rau thơm, đu đủ bào sợi.

Năm 2022, bánh áp chao đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đưa vào danh sách 100 món ăn đặc sản Việt Nam.

Bánh pẻng moóc

Pẻng moóc là loại bánh chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Tày xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh). Để làm bánh pẻng moóc, người ta phải lựa chọn loại gạo nếp ong dẻo thơm được trồng bên dòng sông Quây Sơn và chế biến thành cốm rồi đổ vào khuôn bằng lá cọ, nén vừa tới để hạt cốm nở và chín mềm. Sau đó, người ta xâu pẻng moóc thành từng chùm, xếp vào nồi và luộc từ 2 - 3 giờ. Khi chín, lớp lá bên ngoài có màu vàng tươi, phần bánh bên trong vừa rắn vừa dẻo, thoảng hương thơm của lá cọ. Pẻng moóc là loại bánh không thể thiếu trong dịp lễ hội, cưới hỏi của người Tày ở Ngọc Côn.

Bánh cuốn 

Bánh cuốn Cao Bằng cũng nằm trong danh sách 100 món ăn đặc sản Việt Nam do Tổ chức Vietkings bình chọn. Bánh cuốn Cao Bằng có hương vị độc đáo nhờ được làm từ gạo Đoàn Kết nên khi tráng, bánh có màu trắng, bóng mà vẫn mềm, dẻo, dai. Nhân bánh được chế biến từ thịt lợn nạc băm, xào với hành phi giòn cùng gia vị, mộc nhĩ, lạc rang giã nhỏ. Bí quyết của món này nằm ở nước hầm xương được lọc qua nhiều lần nên trong và không có váng mỡ.

Thực khách có thể thưởng thức bánh cuốn Cao Bằng với nước canh, giò, bánh trứng tráng, măng ớt, mắc mật và các loại rau thơm.

Xôi bjoóc phón

Xôi bjoóc phón là món ăn truyền thống không thể thiếu của người Tày, Nùng ở Cao Bằng trong dịp Tết Thanh minh. Xôi có màu vàng, mùi thơm, vị ngọt, dẻo nhờ loại gạo ngon được ngâm, nhuộm trong nước hoa bjoóc phón đun sôi. Sau đó, người ta đem gạo đồ thành xôi dẻo và thưởng thức cùng thịt băm, trứng, lạc rang, muối vừng...

Thạch đen 

Thạch đen là đặc sản nổi tiếng của huyện Thạch An, được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thanh mát, có tác dụng giải nhiệt. Nguyên liệu chính làm nên món này là cây thạch đen (cây sương sáo). Để chế biến ra món thạch đen hảo hạng, người dân Thạc An phải phơi khô cây, ninh trong 3 tiếng cho thật nhừ, vò kỹ và lọc lấy nước. Tiếp đó, hòa thêm một chút bột năng và đường, đun khoảng 1,5 giờ trên lửa nhỏ cho đến khi thạch đủ độ kết dính thì đổ vào khuôn, bảo quản ở nhiệt độ mát và thưởng thức như một món giải khát.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top