Bài dự thi Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Phát triển du lịch xứng danh Điện Biên Phủ: Khoảng cách giữa khát vọng và thực tế (bài 3)

08:58 - Chủ Nhật, 06/11/2022 Lượt xem: 8301 In bài viết

Bài 3: “Vùng lõm” trong phát triển du lịch

ĐBP - Điện Biên có 10 huyện, thị, thành phố; mỗi địa bàn có lợi thế riêng về cảnh quan, văn hóa, có tiềm năng khai thác, phát triển du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, hầu hết du khách lên với Điện Biên chỉ tập trung tham quan các địa điểm trong lòng chảo Mường Thanh, trung tâm TP. Điện Biên Phủ. Hiện tại, các địa phương mới manh nha, khởi động phát triển du lịch, vẫn là những “vùng lõm” trong bức tranh phát triển du lịch tỉnh nhà.

Bài 1: Du lịch lịch sử đã xứng tầm bản hùng ca Điện Biên Phủ?

Bài 2: Nhiều tiềm năng chưa được “đánh thức”

Đẹp... chưa đủ

Núi non trùng điệp, mây giăng lưng chừng, không khí trong lành, văn hóa đặc sắc... mảnh đất vùng cao Điện Biên có thể làm say lòng du khách khi đặt chân đến. Nhưng chỉ đẹp thôi thì chưa đủ. Nếu không quan tâm đầu tư khai thác, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tuyên truyền quảng bá... thì vẻ đẹp ấy vẫn mãi “ngủ quên”, chỉ dừng lại ở tiềm năng.

Điện Biên có cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đẹp có thể làm say lòng du khách.

Có một thực tế, trong báo cáo liên quan đến du lịch của các huyện đều thống kê lượng khách, nhưng số liệu ấy hầu hết chưa phản ánh chính xác. Bởi những năm qua khách du lịch thuần túy đến các huyện chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn là khách đến công tác kết hợp du lịch. Không chỉ vậy, tại các huyện có những điểm check-in đang thu hút người dân thì khách nội tỉnh là chủ yếu, thời gian lưu trú ngắn, ít nghỉ qua đêm, như các điểm dừng chân Đèo Tằng Quái, Đào Viên Sơn (Mường Ảng); Pu Pha Đin, Pha Đin Pass (Tuần Giáo), hồ Noong U (Điện Biên Đông), thung lũng Hoa Hồng (huyện Điện Biên)...

Điểm đến đẹp trên địa bàn tỉnh ta, đầu tiên phải kể đến Tủa Chùa với những tên gọi nghe đã hấp dẫn: “tiểu Hà Giang”, “Hạ Long trên cạn”. Tủa Chùa được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng vừa có núi đá vừa có sông Đà chảy qua, cảnh sắc hoang sơ, thơ mộng, văn hóa đồng bào bản địa đặc trưng, độc đáo. Không chỉ vậy, Tủa Chùa còn có 4 hang động là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể... Năm 2022, huyện có quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Tủa Chùa có nhiều điểm đến hấp dẫn như: Cánh đồng Chiếu tính, cao nguyên đá Tả Phìn, các chợ phiên, hang động, đồi chè cổ thụ...

Trước những khó khăn, tồn tại đó, ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: “Từ năm 2018, huyện đón rất nhiều đoàn khảo sát du lịch; năm 2018, 2020, huyện tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp và kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch tuy nhiên kết quả không đạt được như ý, chưa có triển khai thực tế”.

Tuy nhiên giai đoạn 2016 - 2021, số lượng khách đến với huyện Tủa Chùa còn khiêm tốn (khoảng 47.000 lượt khách). Nguyên nhân một phần bởi các tuyến đường đến các điểm tiềm năng phát triển du lịch (Xá Nhè, Tủa Thàng, Sín Chải, Huổi Só, Tả Phìn) chưa được đầu tư mở rộng, đường nhỏ, gồ ghề, chủ yếu phục vụ đi lại của người dân địa phương. Cùng với đó thiếu nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách; hoạt động khai thác đá, phá rừng vẫn diễn ra phá vỡ cảnh quan thiên nhiên một số điểm du lịch tiềm năng; chưa đào tạo, bồi dưỡng được nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ hoạt động du lịch địa phương...

Sang nửa cuối năm 2022, với quyết tâm mạnh mẽ của huyện, chợ đêm Tủa Chùa đi vào hoạt động, thu hút du khách. Một số homestay, điểm dừng chân check-in được hình thành. Đường đi đến các xã có tiềm năng phát triển du lịch cũng đã nằm trong kế hoạch đầu tư công năm tới, hứa hẹn đưa du lịch huyện Tủa Chùa khởi sắc.

Manh nha làm du lịch

Nậm Pồ có thể nói là “vùng lõm” sâu nhất trong bản đồ du lịch tỉnh ta. Chia tách, thành lập sau, Nậm Pồ có cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn. Từ khi thành lập năm 2013 đến nay, việc triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch của huyện mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, bảo vệ các tài nguyên sẵn có mà chưa có điều kiện đầu tư khai thác.

Gần đây nhất, giữa tháng 10/2022, du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa được triển khai là điểm đến đầu tiên của huyện. Bản du lịch này có nhiều lợi thế, vị trí nằm bên quốc lộ 4h, trên đường Điện Biên – Mường Nhé; là bản làng dân tộc Thái lâu đời, còn giữ được bản sắc truyền thống; địa thế khá đẹp với lưng tựa núi, trước mặt là cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn, hình bán nguyệt cùng dòng suối uốn quanh, êm đềm chảy. Với sự tư vấn của đơn vị chuyên môn, dân bản Nà Sự cùng sự giúp đỡ của bà con, cán bộ trong và ngoài xã cải tạo cảnh quan, tập huấn đón khách, phục vụ ẩm thực, giao lưu văn nghệ, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, sản xuất... sẵn sàng bứt phá. 

Bản du lịch cộng đồng Nà Sự trở thành điểm đến mới, hấp dẫn.

Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa cho biết: “Đây là điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn huyện. Việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của huyện. Đây hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân lý thú, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá cực Tây Tổ quốc - A Pa Chải”.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện Tuần Giáo được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều điểm đến đẹp. Nổi bật là Đèo Pha Đin vừa có giá trị lịch sử to lớn, vừa nằm trong “tứ đại đỉnh đèo” với khí hậu và cảnh quan tuyệt vời. Vài năm trở về đây, Pha Đin trở thành điểm đến và dừng chân quen thuộc, thu hút du khách trong và ngoài huyện, thay vì chỉ check-in trên đường và bia di tích như trước đây, nhờ có các khu du lịch sinh thái do người dân đầu tư như: Pu Pha Đin, Pha Đin Pass.

Khu du lịch Pu Pha Đin do gia đình bà Lò Thị Mỷ (người Tuần Giáo) đầu tư mở. Khu du lịch có diện tích 5ha với đồi thông và nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ 4 mùa, như: Cẩm tú cầu, hoa xác pháo, hoa cánh bướm, hoa roi ngựa, cúc bất tử... Trải dài trên những quả đồi, các loài hoa nối tiếp nhau từ trên đỉnh xuống sườn dốc như tấm lụa sắc màu, mềm mại bay bổng giữa đất trời bao la.

Bà Lò Thị Mỷ cho biết: “Nắm bắt nhu cầu vui chơi, tham quan của người dân, gia đình tôi tự bỏ tiền đầu tư mở Pu Pha Đin cách đây 3 năm. Mua đất, mở đường, cải tạo trồng hoa, làm các tiểu cảnh, thiết kế 2 phòng ngủ riêng và 1 nhà sàn nghỉ cộng đồng... đã hết tiền tỷ. Ngoài ra, vào những dịp đặc biệt, chúng tôi còn tổ chức giao lưu bóng chuyền, các môn thể thao dân gian, văn nghệ để thu hút khách. Từ đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, Pu Pha Đin mới đón nhiều khách đến tham quan, dịp ngày lễ cao điểm thu được 15 – 16 triệu đồng tiền vé/ngày”.

Du khách lưu giữ những bức ảnh đẹp trên đỉnh Pha Đin.

2 quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt: Khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng rừng đèo Pha Đin, khu du lịch sinh thái động Pa Thơm. Một số quy hoạch đang triển khai: khu sinh thái Tênh Phông, thác Mường Thín; khu du lịch suối khoáng nước nóng bản Sáng, xã Quài Cang; phát triển bản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch huyện Tủa Chùa; du lịch lòng hồ TX. Mường Lay.

Người dân khởi động du lịch. Tháng 12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuần Giáo cũng đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển du lịch huyện Tuần Giáo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phấn đấu đến năm 2025 đón trên 50.000 lượt khách/năm; số ngày lưu trú bình quân từ 1 ngày trở lên... Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Để đạt được mục tiêu đó, huyện ưu tiên bố trí nguồn lực lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch chung của huyện thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, huyện đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng quy hoạch khu du lịch nước nóng bản Sáng (xã Quài Cang) với diện tích 5,5ha gồm các hạng mục kinh doanh: Bể tắm khoáng, ăn uống, vui chơi, giải trí, nhà nghỉ, du lịch cộng đồng... để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phát triển. Đồng thời tập trung lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 5 di tích đã được xếp hạng trên di tích cấp tỉnh gồm: Khu căn cứ cách mạng Pú Nhung, danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung; danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá...

Theo rà soát đến giữa năm 2022, toàn tỉnh có 4 huyện, thị xã tiến hành lập, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Tuy nhiên như đã nêu, các địa phương mới manh nha làm du lịch nên hầu hết quy hoạch vẫn “nằm” trên giấy, gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng, triển khai – đây cũng là khó khăn chung trong phát triển du lịch tỉnh nhà. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, còn nhiều việc phải làm, và là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Bài 4: Kỳ vọng nâng tầm du lịch Điện Biên

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền – Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top