Liên kết khai thác trục du lịch tâm linh

11:41 - Thứ Sáu, 06/01/2023 Lượt xem: 8397 In bài viết

Là những địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa, trục du lịch tâm linh: Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình được đánh giá là có nhiều lợi thế để khai thác, phục vụ khách du xuân, đi lễ. Năm nay, trục du lịch tâm linh này tiếp tục được các địa phương, đơn vị lữ hành liên kết khai thác mạnh với hy vọng mang đến sản phẩm du lịch nhiều trải nghiệm và hấp dẫn.

Chùa Thiên Trù nằm trong quần thể danh lam, thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Huy Minh

Hấp dẫn trục du lịch tâm linh miền Bắc

Quần thể danh lam, thắng cảnh Hương Sơn (thành phố Hà Nội) - chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) - chùa Bái Đính, quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) có cảnh quan hùng vĩ với nhiều chứng tích ghi dấu ấn sự phát triển của Phật giáo, được xem là trục du lịch tâm linh nổi tiếng của miền Bắc. Nhận thấy tiềm năng lớn này, cuối tháng 12-2022, ba địa phương: Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình đã tổ chức đoàn khảo sát, liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng mới.

Tour du lịch mới có hành trình bắt đầu là Di tích quốc gia đặc biệt - quần thể danh lam, thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) trên địa bàn xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi phong cảnh sơn thủy hữu tình, mà còn là nét đẹp văn hóa về đạo Phật của người dân Việt Nam. Đây cũng được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” với những câu chuyện huyền bí về nhũ đá trong động Hương Tích.

Điểm kế tiếp là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc với nhiều công trình lớn, như ngôi chùa lớn nhất nước cho tới thời điểm này, luôn thu hút du khách vào dịp đầu năm mới. Điểm dừng chân cuối cùng là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới - quần thể danh thắng Tràng An. Tour du lịch tâm linh mới này sẽ mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách, ngoài việc chiêm bái, đi lễ chùa, du khách còn được tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, tham gia nhiều hoạt động đặc sắc, như: Chèo thuyền kết hợp leo núi (trekking), thưởng thức ẩm thực địa phương độc đáo… Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, sản phẩm liên kết 3 địa phương được kỳ vọng mang đến trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách trong năm 2023. Còn theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, việc liên kết chặt chẽ giữa 3 địa phương giúp cho nhiều sản phẩm liên kết vùng phát triển, trong đó việc phát triển trục du lịch tâm linh sẽ tạo được sản phẩm thế mạnh trong mùa lễ hội năm 2023.

Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố, tháng 12-2022.

Tăng cường sự phối hợp

Hoạt động liên kết du lịch của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình góp phần mang đến sự hấp dẫn cho sản phẩm du lịch của từng địa phương nói riêng cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung. Trước đó, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã khai thác tuyến: Chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình). Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, những sản phẩm liên kết vùng cần mở rộng hơn, nhằm đưa thêm nhiều trải nghiệm cho du khách theo hướng phát triển bền vững.

Đánh giá về những sản phẩm liên kết vùng từ trục du lịch Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình trong tổng thể chung của vùng Đồng bằng sông Hồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, đây là những vùng đất cổ có nhiều truyền thuyết, di tích lịch sử gắn với tâm linh của người Việt cũng như có nhiều làng nghề truyền thống cùng các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo… Vì thế, việc khai thác trục du lịch này sẽ mang đến những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn và đặc sắc.

Mặc dù có nhiều tiềm năng trong khai thác du lịch, song theo nhiều chuyên gia du lịch và các đơn vị lữ hành, sản phẩm liên kết chung vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, bởi các địa phương vẫn bộc lộ một số hạn chế. Theo Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Phạm Hồng Long, sản phẩm du lịch ở các địa phương còn có sự trùng lặp, có tính mùa vụ, liên kết vùng chưa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tâm linh tại các điểm còn diễn ra tình trạng quá tải, chen chúc, nhất là vào đầu năm mới. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Lữ hành Fivestar Travel Lương Duy Doanh cho rằng, điểm yếu của các địa phương là vấn đề kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Muốn làm tốt được điều này, bên cạnh việc đưa du khách đi lễ chùa, phải có thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách.

Du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông khách trong nước và quốc tế, song cũng đặt ra cho các địa phương nhiều bài toán trong việc khai thác hiệu quả. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trước mùa Lễ hội chùa Hương 2023, đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn về ứng xử văn minh du lịch cho bà con ở huyện Mỹ Đức để góp phần nâng cao chất lượng điểm đến. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để khai thác tốt trục du lịch tâm linh giữa 3 tỉnh, thành phố, các địa phương cần có kết hợp cả trong công tác quản lý cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh du lịch - đặc biệt là lữ hành, thiết kế tour, tuyến du lịch hợp lý cho du khách.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top