Du lịch - mang tới thứ du khách cần

09:01 - Thứ Sáu, 16/06/2023 Lượt xem: 7491 In bài viết

ĐBP - Phục hồi nhanh sau dịch Covid-19, du lịch tỉnh đã và đang có những bước chuyển mình, mang tới nhiều sản phẩm mới cho du khách. Bước đầu, những sản phẩm đó đã mang lại những trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách... Thế nhưng, du lịch Điện Biên vẫn cần nhiều hơn những thứ đang có để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như mong đợi.

Du khách “check-in” tại cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Điện Biên sở hữu một hệ thống phong phú các dạng địa hình. Xen lẫn các dãy núi cao là thung lũng, cao nguyên; đáng kể có cao nguyên A Pa Chải, thung lũng Mường Thanh rộng lớn nổi tiếng. Ngoài ra còn có các dạng địa hình sông suối, thềm bãi bồi, nón phóng vật, sườn tích, hang động caster... phân bố rộng khắp trên địa bàn. Bởi vậy, ngay từ những yếu tố tự nhiên, Điện Biên đã là địa điểm yêu thích của các “phượt thủ” đam mê du lịch mạo hiểm, trải nghiệm. Trong những ngày đầu tháng 6, tại bản Kê Nênh, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, có 2 cô gái tới từ Hà Nội đang thả hồn vào hoàng hôn trên những thửa ruộng bậc thang. Khởi hành bằng một chuyến xe đêm xuất phát từ Hà Nội, khi tới Điện Biên, 2 bạn cùng sinh năm 1996 thuê cho mình 1 chiếc xe máy để rong ruổi khắp các danh lam thắng cảnh của mảnh đất cực Tây. Thu Linh - một trong 2 bạn chia sẻ: “Vào thời điểm nắng nóng như thế này có thể nhiều người sẽ lựa chọn đi biển hoặc đi nghỉ dưỡng tại các nơi có khí hậu mát mẻ; thế nhưng chúng tôi chọn Điện Biên. Bởi thứ chúng tôi cần là trải nghiệm, được chinh phục cực Tây A Pa Chải, ngắm sông Đà, lên cao nguyên đá Tủa Chùa... Và chúng tôi đã làm được điều đó. Phải nói rằng Điện Biên rất đẹp! Có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm mà giới trẻ đang yêu thích. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, như: Dịch vụ tại các điểm du lịch, chất lượng phòng nghỉ tại các huyện... Nhưng đó là những điều có thể thông cảm được với địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế như Điện Biên. Nếu có cơ hội, chúng tôi chắc chắn sẽ còn quay trở lại để khám phá tiếp những điểm mà hành trình này chưa đặt chân tới được”.

Không chỉ tận dụng lợi thế sẵn có, nhiều điểm du lịch hiện nay cũng đã bước đầu có những sự đổi mới để mang đến thêm nhiều sản phẩm mới cho du khách. Dịp gần đây, Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, vác hòm tải đạn... bên cạnh việc tham quan truyền thống. Được tham gia trải nghiệm đẩy xe đạp thồ tại di tích Đồi A1, anh Trần Quang Vinh, du khách tới từ Hà Nội chia sẻ: “Qua phần trải nghiệm này chúng tôi được tái hiện lại hình ảnh anh dũng, kiên cường của cha ông trong những năm kháng chiến ác liệt. Đồng thời giúp chúng tôi hiểu hơn về công tác hậu cần đưa lương thực, vũ khí từ hậu phương đến tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...”.

Ngoài các đoàn khách tham quan, các em học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh cũng được tham gia trải nghiệm các hoạt động “Chúng em làm chiến sĩ” tại các điểm di tích, như: Đẩy xe đạp thồ, vác hòm đạn và xếp nội vụ... Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp các em học sinh trau dồi thêm kiến thức về lịch sử, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử, đặc biệt có những trải nghiệm về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tạo sự hứng thú, thu hút các em học sinh nghiên cứu, học hỏi về lịch sử của dân tộc.

Ngoài các điểm di tích, các điểm du lịch khác cũng có những dịch vụ mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Như tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) vào dịp đầu hè đã mở ra hoạt động trải nghiệm tắm suối cho các gia đình; Công ty du lịch Phan Thành Tây Bắc mở các tour tham quan thác nước Huổi He, thác nước bản Tâu... Hay như tại Không gian văn hóa vùng cao trong dịp Lễ hội Hoa Ban vừa qua cũng cho thấy, Ban Tổ chức đã “chiều” du khách như thế nào. Tại mỗi không gian của một đơn vị đều được làm các tiểu cảnh, các mô hình tái hiện cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc để du khách có thể thoải mái chụp hình lưu niệm, đáp ứng nhu cầu “check-in” trên mạng xã hội... 

Tuy vậy, du lịch tỉnh nhà cũng đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc, thẳng thắn dù sự thật thường khá mất lòng. Liều “thuốc đắng” đó là du khách đến Điện Biên chưa thực sự nhiều, tỷ lệ quay lại chưa cao. Trong khi thời gian lưu trú của du khách tại Điện Biên còn ngắn và mức chi tiêu thấp. Theo nhiều du khách chia sẻ, nguyên nhân một phần tại Điện Biên chưa có nhiều chỗ để chi tiêu mua sắm, từ chỗ vui chơi cho đến những thứ đơn giản quà lưu niệm, quà tặng người thân... Do đó, có thể thấy rằng, du lịch Điện Biên phải mang đến thêm những thứ du khách cần, không chỉ là những cái mình đang có để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như mong đợi. 

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top