Phát triển du lịch MICE phải đồng bộ với các dịch vụ khác

09:06 - Chủ Nhật, 17/09/2023 Lượt xem: 8682 In bài viết

Phát triển du lịch MICE phải đồng bộ với các dịch vụ khác, phát triển các kỹ năng để thu hút và khai thác được nhiều nhất có thể từ du khách.

Các doanh nghiệp du lịch kết nối, trao đổi các giải pháp để phát triển du lịch MICE - Ảnh: VGP

Du lịch MICE là hoạt động du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện, khen thưởng. Đây là loại hình du lịch ngày càng phát triển và phổ biến trên thế giới.

Tại Việt Nam, du lịch MICE hiện nay rất được chú trọng và có nhiều tiềm năng phát triển. Nhiều công ty du lịch đã khai thác loại hình du lịch này và đạt được kết quả khả quan. Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục xác định phát triển du lịch MICE là một trong những mục tiêu của ngành.

Ông Nguyễn Đức Anh, Tổng Giám đốc Vplus, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam cho biết, thực tế từ nhiều năm nay, du lịch MICE ngày càng phát triển tốt không chỉ về lượng mà còn về chất. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thay vì cho nhân viên đi du lịch thông thường, nay đã có sự kết hợp với các hội thảo, sự kiện hoặc lễ tổng kết.

Đại dịch COVID-19 đòi hỏi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải nhanh nhạy để thích ứng. Trong thời đại 4.0, các công ty chuyên về MICE cần khai thác và áp dụng công nghệ để khai thác khách hiệu quả.

Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, du lịch MICE là một hoạt động rất quan trọng trong ngành du lịch và đã phát triển từ khá lâu. Đặc biệt những năm gần đây loại hình du lịch này phát triển rất mạnh mẽ. Việc thành lập CLB MICE Việt Nam vào tháng 3/2020 là để tiếp cận với mô hình mới, chuẩn bị chuyển du lịch MICE thành hoạt động chủ lực của du lịch Việt Nam trong tương lai. CLB MICE có trách nhiệm tổ chức các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về MICE; tạo ra những sản phẩm MICE hằng năm thông qua việc tổ chức các hoạt động tăng cường kết nối các nhà cung cấp đầu vào với các công ty chuyên tổ chức sự kiện.

Phát triển du lịch MICE không dễ

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, tại Việt Nam còn khá nhiều địa phương thiếu cơ sở vật chất để phát triển loại hình du lịch này. Phát triển du lịch MICE không dễ bởi đòi hỏi 2 yếu tố, thứ nhất là yếu tố kỹ thuật tức là có hạ tầng đủ để có thể tổ chức được những sự kiện lớn hàng nghìn người. Thứ hai là về công nghệ, hiện nay, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, vì vậy du lịch MICE phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao để có thể đẩy nhanh hiệu quả trong truyền thông về loại hình du lịch này.

Bên cạnh đó, phải đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ cho du lịch MICE. Ví dụ Hội nghị APEC năm 2017 được tổ chức rất công vì Đà Nẵng đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho một sự kiện tầm cỡ thế giới ở Việt Nam. Qua kinh nghiệm tổ chức Hội nghị APEC ở Đà Nẵng, các địa phương đều học tập và bắt đầu thay đổi. Cơ sở vật chất như hội trường, trang thiết bị kỹ thuật và đặc biệt là việc tiếp cận các hoạt động của MICE bắt đầu nở rộ, nhiều tỉnh, thành phố học tập theo.

"Phát triển du lịch MICE không dễ vì phải đầu tư cả con người, công nghệ. Chúng tôi hy vọng các tỉnh, thành phố không chạy theo phong trào mà phải nhìn lại xem có đủ điều kiện phát triển loại hình du lịch này hay không vì nếu chỉ xây dựng hội trường khổng lồ mà không tổ chức được MICE sẽ rất lãng phí. Phát triển ngành du lịch cao cấp phải hết sức thận trọng, dựa vào năng lực của mình, kể cả nguồn lực về vật chất cũng như con người", ông Bình lưu ý.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, tổ chức MICE không đơn giản là tổ chức một sự kiện, hội nghị hay đại hội... Người làm du lịch MICE cần biết cách khai thác khách đến dự MICE nhiều nhất có thể, từ ăn, nghỉ, tham quan, mua sắm, thưởng thức văn hóa, văn nghệ… Hàng loạt hoạt động, dịch vụ đi kèm hoạt động chính là hội nghị, sự kiện. Nếu không có được điều đó, không đủ nhiều dịch vụ thì việc tổ chức không có ý nghĩa.

"Phát triển du lịch MICE là phát triển hệ thống các dịch vụ đi kèm mà các dịch vụ đó phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi quốc gia, trong đó có văn hóa truyền thống, có ẩm thực đặc trưng, có những điểm tham quan, giải trí đặc sắc", ông Bình nói.

Cần có chiến lược cho phát triển du lịch MICE

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, những khách đi dự MICE thường không khó khăn, họ có đủ điều kiện đi dự sự kiện tức là họ có nhu cầu khám phá, thưởng thức rất nhiều dịch vụ khác. Nếu không khai thác được điều đó thì hiệu quả du lịch MICE sẽ giảm đi rất nhiều. 

Vì vậy, phát triển du lịch MICE phải đồng bộ với các dịch vụ, phát triển các kỹ năng để thu hút được khách và khai thác được nhiều nhất có thể. Nhiều nước phải phát triển từ từ, phải đào tạo nhân lực, bổ sung các dịch vụ khác trước khi làm du lịch MICE. Sau dịch COVID-19, chúng ta có thể phát triển đồng bộ các lĩnh vực cùng một lúc để bảo đảm khai thác nhanh nhất du lịch MICE ở Việt Nam.

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, nhân lực là vấn đề khó khăn nhất của ngành du lịch không chỉ đối với MICE mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực, bổ túc nghề nghiệp có thể đi tắt. 

Để phát triển một cách bền vững thị trường khách du lịch quốc tế thì phải làm đồng bộ rất nhiều lĩnh vực như xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của những người làm dịch vụ, đồng thời tăng cường xúc tiến du lịch. Những vấn đề này hiện đang còn yếu ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cũng cho rằng, MICE là lĩnh vực bứt phá, dẫn dắt sự phát triển của du lịch Việt Nam. Các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHC, Đà Nẵng, Nha Trang,… là những địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch MICE. Bên cạnh đó, các địa phương miền núi đều có thể trở thành điểm đến du lịch MICE hấp dẫn.

Tuy nhiên, chúng ta chưa có chiến lược riêng về phát triển loại hình du lịch này. Việt Nam gần như chưa có các thống kê, nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình du lịch, về thị trường du lịch MICE. 

Để phát triển du lịch MICE, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cần đầu tư hạ tầng như trung tâm tổ chức sự kiện hội thảo hội nghị tầm cỡ quốc tế, quy mô lớn; chất lượng sản phẩm dịch vụ đòi hỏi ngày càng cao, đẳng cấp, cần nắm bắt thị trường để có các sản phẩm phù hợp; đầu tư nguồn nhân lực chuyên nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp.

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top