Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe: Khơi tiềm năng, tạo xu thế

10:21 - Thứ Tư, 25/10/2023 Lượt xem: 7183 In bài viết

Du lịch chăm sóc sức khỏe đang có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19. Với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, điều kiện địa lý cùng nguồn tài nguyên địa chất - khoáng sản và dược liệu, Việt Nam hứa hẹn là một trong những “ngôi sao mới nổi” trong việc phát triển dòng sản phẩm này.

Du khách thưởng thức trà chiều sau dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Flamingo Đại Lải. Ảnh: Hoàng Ân

Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay

Hình thái du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) hiện khá thịnh hành trên thế giới. Ở Việt Nam, khá nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Được nhiều người biết đến trong mảng dịch vụ này là những cái tên như Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (Ba Vì, Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Khu nghỉ dưỡng APEC Mandala Wyndham Mũi Né (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) hay hệ thống nghỉ dưỡng của Tập đoàn Flamingo tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng), Tân Trào (Tuyên Quang)... Những khu nghỉ dưỡng này đều tận dụng lợi thế về cảnh quan nhằm kết nối con người với thiên nhiên để tìm lại sự cân bằng về thể chất và tinh thần.

Hiện nay, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được hình thành dựa trên các hoạt động ngoài trời kết hợp với phương pháp trị liệu như tắm khoáng nóng (onsen), tắm bùn, xông hơi, spa, detox (thanh lọc, thải độc), thiền định, yoga, đi bộ... nhằm chăm sóc sức khỏe đồng thời xoa dịu tinh thần, gia tăng khả năng chữa lành cho du khách.

Dẫn đầu xu thế này là Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội). Theo Phó Giám đốc Đỗ Mạnh Hoàng, từ sau dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến MEDI Thiên Sơn đã tăng gấp 3 so với thời điểm trước dịch. Riêng trong 9 tháng năm 2023, lượng khách đạt hơn 100.000 lượt và đối tượng khách chủ yếu là các gia đình ở Hà Nội.

“Dịch Covid-19 khiến nhiều người nhận thấy tầm quan trọng của sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần trước những ảnh hưởng âm thầm của stress và các yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống ngày càng tăng kéo theo nhu cầu trải nghiệm cao cấp và chăm sóc sức khỏe cũng được nâng lên. Vì thế, chúng tôi đã thiết kế hai dòng sản phẩm là tour "Một ngày sống lành", hướng du khách về với thiên nhiên, trải nghiệm chế độ ăn uống dược thiện bổ dưỡng, thiền để tránh xa tâm bệnh; sản phẩm thứ hai là tour "Chữa lành" chuyên biệt sử dụng kỹ thuật vật lý trị liệu phối hợp với 3 “người thầy” là thiền sư (người truyền giảng các phương thức nhận biết và chữa lành tâm bệnh), trù sư (người đầu bếp hiểu biết về dinh dưỡng) và y sư (thầy thuốc chẩn đoán, phát hiện bệnh lý) để cải thiện tình trạng sức khỏe cho từng khách hàng dựa trên các nhóm bệnh chính” - ông Hoàng cho biết.

Nếu như MEDI Thiên Sơn tận dụng khung cảnh thiên nhiên gắn với rừng cây, suối, thác giúp du khách tìm lại chính mình, thì Khu du lịch nghỉ dưỡng APEC Mandala Wyndham Mũi Né (xã Hòa Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) lại sử dụng tối đa lợi thế của bãi tắm đẹp để thiết kế sản phẩm du lịch chữa bệnh với cát. Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui chơi trên cát, vùi mình trong cát để chữa các bệnh về cơ và da, hay tắm khoáng bùn nhằm điều trị các bệnh về xương khớp...

Chăm sóc sức khỏe cho du khách bằng thuốc Đông y tại Khu du lịch chũa lành MEDI Thiên Sơn (Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Nguyễn

Giàu tiềm năng

Những mô hình trên là gợi ý tốt cho các khu nghỉ dưỡng trên núi, ven biển để phát triển dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Tiềm năng phát triển loại hình nghỉ dưỡng núi được người Pháp khai thác từ thế kỷ trước, đến nay vẫn còn dấu ấn tại Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bà Nà (Đà Nẵng)... Về tiềm năng du lịch biển đảo, không nhiều quốc gia có thể so sánh khi Việt Nam sở hữu tới 3.260km đường bờ biển, có nhiều bãi biển được các trang du lịch quốc tế đánh giá cao tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, Ninh Thuận...

Bên cạnh tiềm năng phong phú về du lịch biển, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên nước khoáng đa dạng, có giá trị cao trong việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê của ngành Địa chất, cả nước có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, trong đó có 11 loại vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai. Nhiều địa điểm có nguồn khoáng nóng tại Việt Nam nay đã trở thành những địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Không những vậy, Việt Nam còn là nước có nền y học cổ truyền nổi tiếng trong khu vực với đội ngũ thầy thuốc cùng các viện nghiên cứu, bệnh viện y dược học cổ truyền đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Cùng với đó là nguồn tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số như Dao, Thái, Mường... trong việc sử dụng các loại dược liệu để phòng, chữa bệnh. Theo thống kê, cả nước hiện có hệ thống cây dược liệu phong phú với 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc Đông y. Đây chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và đưa Y học cổ truyền thành một thế mạnh trong loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Thiền sư hướng dẫn du khách tập yoga lấy lại năng lượng và sự cân bằng về thể chất và tinh thần tại Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Nguyễn

Tháo gỡ rào cản

Dù sở hữu tiềm năng, nội lực rất lớn nhưng quy mô và tính chất của du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bị đánh giá là phát triển rời rạc, manh mún.

Lý giải về điều này, Tiến sĩ, kiến trúc sư Dương Đình Hiền, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) cho rằng: “Chúng ta chưa có chính sách phát triển tổng thể; thiếu cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp; thiếu từ các tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận cho đến sự liên kết yếu giữa ngành Du lịch với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, thể thao... Sự phát triển manh mún, tự phát của các đơn vị dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp hoặc lạm dụng, gây ảnh hưởng về nhiều mặt. Công tác quảng bá tiếp thị chung cho du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam ra quốc tế còn thiếu bài bản. Đó chính là rào cản khiến du lịch chăm sóc sức khỏe chưa phát triển xứng tầm ở Việt Nam”.

Để tháo gỡ rào cản nói trên, Tiến sĩ Dương Đình Hiền cho rằng, cần xây dựng chính sách phát triển tổng thể về du lịch chăm sóc sức khỏe cùng với chiến lược phát triển du lịch chung của quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cần đánh giá một cách toàn diện khả năng phát triển mạng lưới du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, từng vùng miền và phải biết chính xác nhu cầu, đặc điểm của thị trường khách nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp, có trọng điểm.

Ông Hiền cũng lưu ý về việc thu hút khách du lịch Việt kiều trở về Việt Nam để chăm sóc nha khoa, thẩm mỹ và chữa bệnh theo y học cổ truyền.

Đề cập đến việc cần xây dựng chuỗi cung ứng phục vụ du lịch chăm sóc sức khỏe, ông Phạm Văn Đại, Trưởng bộ môn Quản trị du lịch và truyền thông (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, đây là yếu tố tiên quyết giúp các doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, mang đến cho du khách trải nghiệm trọn vẹn. Chuỗi cung ứng này không chỉ có các đơn vị trong lĩnh vực vận chuyển, lưu trú, ăn uống, mua sắm... mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, hải quan cùng hệ thống dịch vụ hạ tầng phục vụ du khách tại điểm đến.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc phát triển loại hình du lịch sức khỏe, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch quốc gia) cho biết, Việt Nam hiện có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 780.000 buồng, gần 600 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 - 5 sao, trong đó có 180 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã triển khai các hoạt động spa và chương trình chăm sóc sức khỏe cho khách lưu trú.

Tuy nhiên, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và được cấp biển hiệu hiện còn quá ít. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác này để du khách có thêm lựa chọn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong loại hình du lịch đầy tiềm năng này. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe để làm căn cứ cho việc đánh giá chất lượng và xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch có dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt yêu cầu phục vụ du khách.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, năm 2022-2023, Cục Du lịch quốc gia đã và đang triển khai Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “Du lịch và các dịch vụ có liên quan - Spa chăm sóc sức khỏe - yêu cầu đối với dịch vụ”, dự kiến công bố cuối năm 2023. Đây sẽ là tài liệu hướng dẫn các đơn vị trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách để loại hình này ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có sức cạnh tranh cao.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top