“Đánh thức” tiềm năng du lịch lịch sử

15:18 - Thứ Năm, 23/11/2023 Lượt xem: 6930 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên - nơi ghi dấu sự kiện chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với di tích quốc gia đặc biệt nằm trong 10 di tích được xếp hạng đầu tiên trong cả nước. Những năm qua, bên cạnh việc bảo tồn, các cơ quan chuyên môn nỗ lực khai thác, phát triển các giá trị di tích thành sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng lịch sử, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao. Qua đó, góp phần “đánh thức” tiềm năng du lịch lịch sử của Ðiện Biên, đưa mảnh đất lịch sử này từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh trong khu vực...

Quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần, nằm trên địa bàn huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ và trở thành niềm tự hào của dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Việt Nam. Bà Phạm Thanh Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: “Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được xác định là nguồn lực quan trọng, là tiềm năng lợi thế, sản phẩm chủ lực, nổi bật cho phát triển du lịch của không chỉ tỉnh Ðiện Biên, khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của di tích và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan du lịch khi đến với Ðiện Biên, từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý di tích luôn chú trọng triển khai: Bố trí hướng dẫn viên đón tiếp, hướng dẫn tất cả đoàn khách tham quan tại di tích; tổ chức trưng bày triển lãm ảnh trong tỉnh và ngoài tỉnh; thường xuyên kiểm tra hướng dẫn nâng cao kiến thức và kỹ năng của đội ngũ hướng dẫn viên, triển khai trưng bày và phát huy giá trị công trình Khu tưởng niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích thuộc di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ, gồm: Hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ; đẩy xe đạp thồ; nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm; nghe cựu chiến binh kể chuyện; trải nghiệm làm thuyết minh viên; chương trình sinh hoạt chuyên đề Ðảng, kết nạp đảng viên, đoàn viên mới tại các điểm di tích...

Trong giai đoạn 2020 - 2022, Ban Quản lý di tích đã tổ chức cho 2.717 lượt học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm tại di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Các chương trình hoạt động trải nghiệm có sự lan tỏa rộng rãi; trong đó, Chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Ðiện Biên” đã tạo cho học sinh những ấn tượng khó phai, không chỉ bổ trợ kiến thức lịch sử cho học sinh mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc của các em. Hoạt động này cũng giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế tại di tích, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Ðặc biệt, Ban Quản lý di tích đã tổ chức hoạt động trải nghiệm đẩy xe đạp thồ tại di tích đồi A1 cho các du khách nước ngoài và nhận được phản hồi tích cực, thích thú từ khách tham quan.

Với mong muốn thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã xây dựng thêm các sản phẩm, giúp gia tăng trải nghiệm của khách. Ðây là hướng đi góp phần lan tỏa, phát huy giá trị của các hiện vật và giúp công tác bảo tồn của Bảo tàng phát triển theo hướng bền vững. Vào dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, ngoài tham quan các hiện vật, du khách có thêm nhiều trải nghiệm với 3 điểm chụp ảnh check - in ngoài trời, gồm: Chụp ảnh với xe đạp thồ và hòm đạn, chụp ảnh với xe hoa rực rỡ sắc màu và chụp ảnh với trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhiều thông điệp ý nghĩa như: “Ðiện Biên - nơi chiến trường nở hoa”, “Ðiện Biên - nơi ký ức tìm về”, “Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ - đến để tự hào” cũng được lồng ghép tại những điểm check - in góp phần lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tới đông đảo người dân địa phương và du khách.

Với nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo như: Bổ sung nội dung trưng bày, tổ chức các sự kiện triển lãm chuyên đề đã giúp du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa, lịch sử, tô thêm màu sắc cho hoạt động bảo tồn, lan tỏa giá trị của các tư liệu, hiện vật đến với công chúng. Góp phần thu hút, hấp dẫn đông đảo khách tham quan ở mọi lứa tuổi đến với bảo tàng, lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tới đông đảo nhân dân địa phương và du khách.

Bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ - một trong những tác phẩm lớn, về đề tài chiến tranh đưa vào khai thác gần 3 năm nay là điểm nhấn mới cho du lịch Ðiện Biên. Thông qua tham quan bức tranh Panorama thì dù chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã lùi xa gần 70 năm, một số dấu tích chiến tranh ngoài thực tế đã mai một nhưng du khách vẫn hình dung và cảm nhận phần nào về chiến dịch Ðiện Biên Phủ - cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của thế hệ cha ông. Bởi vậy, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ nỗ lực phục vụ, tăng tính trải nghiệm để du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn sự hoành tráng, ý nghĩa của bức tranh đặc biệt. Nhờ đó mà du khách đến tham quan đã có thêm nhiều cảm xúc... Ông Hoàng Trọng Nghĩa, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã được lên Ðiện Biên một vài lần rồi, tuy nhiên đây là lần đầu tiên tôi đưa cả gia đình lên thăm Ðiện Biên, lần đầu tiên được xem bức tranh Panorama phản ánh về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Bức tranh giúp tôi thấy được sức mạnh của quân và dân ta, dù thời điểm đó đất nước ta khó khăn như vậy mà vẫn làm nên chiến thắng rất vẻ vang”.

Thực tế cho thấy việc khai thác, phát triển du lịch từ các di tích lịch sử vẫn còn không ít khó khăn nếu không muốn nói là tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ chưa hiệu quả, chưa xứng tầm với ý nghĩa và giá trị của di tích khi mới chỉ có 9/45 điểm di tích được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Tại các điểm di tích, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có khu dịch vụ tiêu chuẩn; hoạt động trải nghiệm văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích còn đơn điệu, chưa mang lại cho du khách những trải nghiệm và cảm xúc chân thực về một chiến thắng lịch sử mang tầm cỡ quốc tế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách tham quan trong nước và quốc tế... Ðể sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với một trong ba trọng tâm là du lịch lịch sử còn rất nhiều việc phải làm, cần sự chung tay, góp sức huy động các nguồn lực của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top