“Hiện tượng” du lịch Sơn La và bài toán phát triển bền vững

10:03 - Thứ Ba, 02/01/2024 Lượt xem: 4291 In bài viết

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa đặc trưng là những tiềm năng lớn để thu hút du khách đến với Sơn La. Ngoài ra, yếu tố về ANTT tại các địa phương trên địa bàn Sơn La đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển du lịch. Trong năm 2023, du lịch Sơn La thêm một năm bứt phá, với số lượng lớn du khách và doanh thu từ hoạt động dịch vụ.

1. Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La năm 2023, ngành Du lịch Sơn La đã phục vụ khoảng 4,5 triệu lượt khách, tăng hơn 1,3 lần so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch cũng tăng hơn 1,5 lần so với năm 2022, đạt khoảng 4.700 tỷ đồng.

Nhiều điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Sơn La được du khách lựa chọn như Khu du lịch quốc gia Mộc Châu – “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” năm 2022 và 2023; “Thiên đường mây” Tà Xùa; “Biển hồ” Quỳnh Nhai... Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 600 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 8 khách sạn từ 3 sao trở lên, còn lại là các nhà nghỉ du lịch, homestay... cơ bản đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách khi đến Sơn La.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Quỳnh Nhai, Sơn La chia sẻ: “Sản phẩm du lịch có sự khác biệt và mang đặc trưng của Quỳnh Nhai là du lịch sinh thái lòng hồ, ngoài ra chúng tôi còn xây dựng mô hình du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch lễ hội; phục dựng các lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách như lễ hội đua thuyền, nghi lễ Kin Pang Then, lễ hội gội đầu; các di sản văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người”.

 Sơn La là điểm đến hấp dẫn bởi thiên nhiên tươi đẹp.

Ngoài ra, Sơn La cũng thu hút lượng khách lớn qua các sự kiện, hoạt động du lịch hấp dẫn như: Sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” tại TP Hồ Chí Minh; Ngày hội du lịch - văn hóa Sơn La với chủ đề “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”; Lễ hội Mùa hoa ban thành phố Sơn La; Ngày hội hoa Sơn tra huyện Mường La; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai; Giải đua mô tô địa hình Việt Nam tại huyện Vân Hồ.

Ngoài ra, để phát triển bền vững, hiện nay Sơn La đã và đang phát triển theo hướng “du lịch xanh”. Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết: Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, Hiệp hội Du lịch tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Liên kết hỗ trợ hội viên trong đầu tư những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt. Nhờ đó, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi.

Chị Hoàng Thu Hà, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tại các khu, điểm du lịch của Sơn La, ngày càng có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp, văn hóa, ẩm thực rất hấp dẫn”. Đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết thêm: Thời gian tới, tỉnh Sơn La cần thể chế hóa những cơ chế, chính sách, quy định về quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí phát triển du lịch xanh để áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh và tại các khu, điểm du lịch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch; khôi phục, tôn tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa, giá trị di tích lịch sử...

2. Hấp dẫn du khách bởi những nét đẹp hoang sơ vốn có tại các điểm du lịch, điều mà nhiều nhà đầu tư và các du khách khắp nơi trên cả nước chọn Sơn La là điểm đầu tư, nghỉ dưỡng đó là vấn đề ANTT.  Thượng tá Lý Văn Thành, Trưởng Công an huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết, để thúc đẩy Bắc Yên trở thành điểm đến lý tưởng, phát triển đồng bộ các mô hình phát triển du lịch thì điều quan trọng nhất vẫn phải là yếu tố ANTT “Khi địa bàn đảm bảo về ANTT, các nhà đầu tư, du khách mới yên tâm chọn lựa là nơi đầu tư, nghỉ dưỡng, đồng bào mới phấn khởi, an tâm lao động, sản xuất. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi CBCS Công an huyện, Công an xã phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác nắm tình hình, giữ vững bình yên trên địa bàn”.

Trước vấn đề đó, trong những năm qua Công an huyện Bắc Yên đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện các phương án, kế hoạch tăng cường đảm bảo ANTT, giữ gìn bình yên trên địa bàn, giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội. Tại xã Tà Xùa, một trong điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước hiện nay đã được bố trí 8 CBCS có trình độ Đại học giỏi về chuyên môn, vững về pháp luật, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT.

Anh Bùi Trọng Long (chủ Homestay Cloud Forest) cho biết, 2 năm quyết định đầu tư tại Tà Xùa, lực lượng Công an xã đã thường xuyên đến trao đổi những vấn đề liên quan đến ANTT, các quy định về hoạt động du lịch như quản lý lưu trú, các hoạt động vui chơi, giải trí; trải nghiệm du lịch... nhờ đó mà các dịch vụ của Homestay luôn tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn, văn minh. Các vấn đề về ANTT đều được lực lượng Công an xử lý kịp thời.

Theo Trung tá Đinh Văn Thuận, Trưởng Công an xã Tà Xùa, xác định tính chất quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn vùng cao, trong những năm qua, từ khi lực lượng Công an chính quy về xã, lực lượng Công an Tà Xùa với vai trò nòng cốt đã đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm thông tin cơ sở để kịp thời phát hiện, tấn công tội phạm các loại.

Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số đến trụ sở kích hoạt số định danh điện tử, thực hiện hàng trăm cuộc tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự, hướng dẫn bà con nhân dân lập các tổ liên gia PCCC. Để làm tốt công tác, mỗi CBCS trong xã đều được giao nhiệm vụ phải làm chặt chẽ khâu quản lý cư trú, từ đó có thể ghi nhận những người từ nơi khác đến làm ăn, buôn bán, phát hiện các đối tượng tội phạm.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top