Niềm vui từ chương trình “Nước cho em”

09:12 - Thứ Năm, 03/11/2022 Lượt xem: 6309 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, tình trạng thiếu nước sạch ở huyện biên giới Nậm Pồ nhiều năm qua diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các trường học trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch tại các trường học, Huyện ủy Nậm Pồ đã phát động lời kêu gọi ủng hộ Chương trình “Nước cho em”; bước đầu chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần chủ động nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, biên giới.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Phìn Hồ sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt từ giếng khoan mới được bàn giao, đưa vào sử dụng.

Thăm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Phìn Hồ (xã Phìn Hồ), chúng tôi cảm nhận rõ sự vui mừng, phấn khởi của giáo viên và học sinh nơi đây khi được bàn giao, đưa vào sử dụng công trình giếng khoan nước sạch. Dòng nước trong vắt, mát lành từ công trình đã giúp nhà trường thỏa được cơn “khát” nước sạch bấy lâu nay. Thầy Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 175 học sinh bán trú. Khuôn viên trường được thiết kế hiện đại, thân thiện, nhưng vấn đề nước sạch từ lâu vẫn là nỗi lo của ban giám hiệu và phụ huynh học sinh. Dù Trường đã được đầu tư 1 giếng khoan, 5 téc nước nhưng chỉ để phục vụ nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày; học sinh phải ra mó nước, không đảm bảo vệ sinh, cách khu bán trú gần 1km để lấy nước tắm, giặt nên rất vất vả, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như học tập của các em. Thầy Tâm chia sẻ thêm: “Công trình giếng khoan nước sạch được đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, mà là niềm vui, phấn khởi của bà con nhân dân, phụ huynh học sinh khi con em mình có nguồn nước sạch sử dụng.

Em Thào A Sình, lớp 9A2, Trường PTDTBT THCS Phìn Hồ phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, sau khi tan học chúng em phải cuốc bộ hàng ki - lô - mét để ra mó nước tắm, giặt; khổ nhất là mùa mưa, nước mó đục ngầu phải lọc, gạn kỹ mới dùng được. Nay có giếng khoan, dẫn nước sạch về tận khu bán trú, em và các bạn rất vui! Từ nay, thay vì phải dành thời gian đi xa để tắm, giặt thì chúng em có thời gian tập trung học tập, tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ…”

Đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của thầy cô giáo, học sinh miền núi Nậm Pồ, Nhóm Thiện nguyện Viet Nam Gotami đã vận động, quyên góp, tổ chức xây dựng 7 giếng khoan (mỗi giếng trị giá 25 triệu đồng) cho các trường học tại 2 xã (Vàng Đan, Nà Bủng). Thầy Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học  - THCS Vàng Đán cho biết: “Từ tháng 5/2022 khi được Nhóm Thiện nguyện Viet Nam Gotami tiến hành khảo sát, hỗ trợ xây dựng giếng khoan nước sạch tại 2 điểm trường Huổi Khương 1 và Nộc Cốc... tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Nhóm Thiện nguyện. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ góp phần đảm bảo nguồn nước uống hợp vệ sinh mà còn tiếp thêm động lực để tập thể sư phạm nỗ lực dạy và học, ươm mầm tri thức cho học trò vùng cao”.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, huyện có 23/43 trường học các cấp là trường dân tộc bán trú, nội trú với 21.766 học sinh (13.272 học sinh nội trú). Đặc biệt, tại nhiều trường do số lượng học sinh bán trú, nội trú đông (800 - 1.000 học sinh) nên dẫn tới tình trạng thiếu nước khá trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Do thiếu nước sinh hoạt nên học sinh phải tắm, giặt tại các khe suối không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, chất lượng học tập...

Để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các trường học, Huyện ủy - HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nậm Pồ đã thống nhất phát động chương trình “Nước cho em” để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng 36 giếng khoan và bổ sung 116 téc nước, 51.900m dây dẫn nước (với trị giá khoảng 2 tỷ đồng). Đến nay, với sự chung tay góp sức của các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, tổ chức, cá nhân, huyện đã tiếp nhận hơn 398 triệu đồng và hiện vật trị giá khoảng hơn 70 triệu đồng. Số tiền quyên góp, ủng hộ được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch; ưu tiên cho các trường khan hiếm về nguồn nước. Đến ngày 28/10, đang tiến hành khoan 18 giếng, hiện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 7 giếng khoan tại các trường:  PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn; PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ; PTDTBT THCS Phìn Hồ; Tiểu học Chà Cang; PTDTBT Tiểu học Chà Tở; Mầm non Phìn Hồ... Cũng theo ông Ngô Xuân Chiến: Với mục tiêu 100% học sinh các trường có đủ nước sinh hoạt đảm bảo an toàn, vệ sinh, thời gian tới Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với ngành liên quan tiến hành khảo sát, duy tu, bảo dưỡng hệ thống nước sạch cho các trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ các công trình nước sạch trường học.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top