Rào cản về cơ sở vật chất trong xây dựng trường chuẩn

07:52 - Thứ Tư, 14/12/2022 Lượt xem: 10327 In bài viết

ĐBP - Những năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các địa phương trong tỉnh luôn xác định công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng trong nâng cao chất lượng, phát triển GD&ĐT tỉnh nhà. Với quan điểm đó, các cấp, ngành, cơ sở giáo dục đã cố gắng, nỗ lực xây dựng trường chuẩn, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tiêu chí trường chuẩn ngày càng cao, đặc biệt là về cơ sở vật chất (CSVC), đây là một trong những khó khăn đối với địa bàn miền núi như tỉnh ta.

Sau khi được đầu tư xây dựng nhà lớp học mới, Trường Mầm non Thanh Luông (huyện Điện Biên) được công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ 2. Trong ảnh: Phòng học rộng rãi của cô và trò nhà trường.

Nằm trong khu vực lòng chảo, cơ bản thuận lợi nhưng Trường Mầm non Thanh Luông (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) mới được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, sau 2 năm xin kéo dài thời gian thẩm định. Cô Cao Thị Thời, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2015. Theo đúng thời hạn thì năm 2020, trường phải thực hiện công tác công nhận lại, nhưng khi ấy nhà lớp học còn là dãy nhà cấp 4 cũ, xây dựng từ năm 1998, đã xuống cấp, diện tích chật hẹp, không đảm bảo tiêu chí mới về CSVC. Những tiêu chí khác thì Trường đều đảm bảo, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (trong đó 24/26 giáo viên trên chuẩn); chất lượng giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ được ghi nhận tốt...”.

Sang năm 2021, Trường Mầm non Thanh Luông được xây dựng tòa nhà 2 tầng mới, với 6 phòng học, 2 phòng chức năng, 3 phòng làm việc (đều rộng rãi, đảm bảo diện tích), đồng thời được UBND xã tạo điều kiện mở rộng một phần đất sau trường để làm bếp ăn đảm bảo tiêu chuẩn. Nhờ hoàn thiện về CSVC, tháng 11/2022 Trường được công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ 2.

Theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT, Quy định tiêu chuẩn CSVC các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, CSVC tiêu chuẩn của các trường ngày càng cao. Như trường mầm non phải có diện tích tối thiểu 1,5m2/trẻ em khu sinh hoạt chung, 1,2m2/trẻ em khu ngủ, 0,4m2/trẻ em khu vệ sinh; cấp tiểu học có tối thiểu 1,35m2/học sinh/phòng học, 1,5m2/học sinh/phòng học nếu kết hợp nghỉ trưa, khu vệ sinh học sinh tối thiểu 0,06m2/học sinh...

Tại huyện Điện Biên, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Toàn huyện hiện có 57/65 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 74,3% phòng học kiên cố, 40% phòng công vụ kiên cố, 13,3% phòng nội trú cho học sinh kiên cố. Tuy nhiên toàn huyện còn nhiều trường có CSVC hạn hẹp, có đến gần 50% phòng học chưa đảm bảo diện tích theo thông tư mới. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã dành nhiều nguồn lực (từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, đầu tư công trung hạn, tiết kiệm chi thường xuyên, xã hội hóa...) để tập trung đầu tư CSVC cho các trường học. Chúng tôi xác định tiếp tục tham mưu dành các nguồn lực xây dựng, nâng cấp CSVC, thay thế dần các phòng học tiêu chuẩn trong thời gian tới.

Còn Trường Tiểu học Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện từ năm học 2007 - 2008, đến nay sau 15 năm trường vẫn dừng ở chuẩn quốc gia mức độ 1 do khó khăn về CSVC. Cô Nguyễn Thị Én, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trường đã 2 lần được công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường có diện tích rộng trên 11.100m2, 19 phòng học và bộ môn, 5 nhà vệ sinh của cán bộ giáo viên - nhân viên và học sinh (chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn)... CSVC đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước đang dần xuống cấp. Bởi thực trạng ấy, Trường không đảm bảo tiêu chuẩn xét nâng mức độ chuẩn quốc gia, dù các tiêu chí khác đã cơ bản đạt. Nếu được đầu tư xây dựng, Trường phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2”. Đối với Trường THCS Ẳng Nưa, được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2013, đề nghị kiểm tra công nhận lại năm 2022 chúng tôi được biết: Tất cả các phòng học của Trường không đủ diện tích tiêu chuẩn theo quy định mới (trên 45m2/phòng tính theo số học sinh toàn trường) nhưng các lớp chưa quá 45 học sinh/lớp nên vẫn đảm bảo công tác dạy và học.

Toàn tỉnh hiện có 342/464 trường đạt chuẩn quốc gia, năm 2022 có 35 trường thẩm định công nhận lại. Hiện có 15 trường hết thời hạn bằng công nhận, nhưng chưa được công nhận lại, hầu hết nguyên nhân do CSVC không đảm bảo. Những năm qua, ngành GD&ĐT đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan cân đối kinh phí, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư CSVC, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô và đổi mới chương trình giáo dục. Trong đó ưu tiên đầu tư cho các trường trong kế hoạch xây dựng đạt chuẩn quốc gia, các trường mới thành lập, trường vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Giai đoạn 2016 - 2021 đã có 1.428 tỷ đồng đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị trường học, giúp các trường xây dựng và duy trì đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên toàn ngành còn có 36,8% phòng học, phòng nội trú học sinh, phòng công vụ giáo viên chưa kiên cố, nhiều trường, lớp học xuống cấp, chưa đủ diện tích theo tiêu chuẩn. Để nâng cao CSVC, đáp ứng yêu cầu mới trong công tác GD&ĐT, cần sự quan tâm, tiếp tục đầu tư, xây dựng, nâng cấp từ các cấp,  ngành và toàn xã hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top