Mang tết về học trò vùng cao

07:09 - Chủ Nhật, 01/01/2023 Lượt xem: 8514 In bài viết

ĐBP - Một cái tết Nguyên đán nữa sắp về trong sự mong đợi của học sinh vùng cao. Mong gói quà tết, mong bữa cơm tất niên, các hoạt động trải nghiệm tết - mà ở gia đình, bản làng nhiều em không có điều kiện thực hiện. Nhiều năm qua, tại ngôi nhà thứ 2 - trường học, thầy cô đã nỗ lực “mang tết về trường”, góp phần giúp các em thêm yêu trường, mến lớp, thêm động lực học tập. Qua đó tạo sợi dây vô hình giữ “chân” học trò theo đuổi con chữ...

Bữa cơm tất niên có nhiều món ăn ngon của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải.

Quà tết đậm tình thầy

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải (huyện Mường Nhé), tết Nguyên đán không chỉ là niềm hào hứng của con trẻ mà còn là niềm vui đặc biệt của phụ huynh bởi con em đi học còn mang quà tết về cho gia đình. “Con đi học, đã không có gì cảm ơn thầy cô mà ngược lại còn có quà tết mang về” - là điều mà nhiều phụ huynh thốt lên khi cầm trên tay túi quà thầy cô trao trong ngày đón con về nhà ăn tết.

Thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải cho biết: “Từ lâu, nhà trường đã duy trì bữa cơm tất niên và tặng thêm manh áo, tấm quần cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đón tết. 3 năm nay có thêm hoạt động tặng quà tết cho các em bán trú. Kinh phí thực hiện được tính toán, cân đối từ nguồn chế độ ăn bán trú còn dôi dư do nghỉ học trong năm của các em. Và thầy cô xã hội hóa kết nối từ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong và ngoài địa bàn. Chúng tôi luôn cố gắng chuẩn bị bữa cơm tất niên tươm tất cho các em (bình quân 30.000 đồng/em) và gói quà tết trị giá 150.000 đồng/em”.

Công tác lâu tại địa bàn, trong đó có nhiều năm ở lại ăn tết cùng đồng bào, giúp giáo viên trong trường thấu hiểu khó khăn, thiếu thốn của bà con. Gói quà tết chỉ đơn giản là hộp mứt, gói bánh, chai dầu ăn, nước mắm, mì chính... song với bà con Chung Chải lại vô cùng ý nghĩa. “Học sinh bán trú nhà trường hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, đời sống hết sức khó khăn. Nhiều học sinh không biết hương vị tết, không biết tết là như thế nào. Vì thế, chúng tôi muốn sẻ chia, góp thêm tết đủ đầy cho gia đình học sinh. Đồng thời, cũng là thể hiện sự quan tâm, tạo nguồn động viên, khích lệ tinh thần các em. Thực tế 5 năm qua, các em đã có sự thay đổi lớn về nhận thức việc học và đạo đức học sinh. Trước kia nhiều em đi học không chuyên cần, không coi trọng việc học, nhưng bây giờ đều thích đến trường, sau nghỉ tết tự giác đi học đầy đủ. Phụ huynh cũng quan tâm tới việc học của con hơn” - thầy Khiêm bộc bạch.

Những ngày giáp tết này, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải lại háo hức chờ mong. Thầy Khiêm tính sơ sơ, năm nay trường có 243/430 học sinh ở bán trú, sau khi có lịch nghỉ tết chính thức thì nhà trường tính số ngày nghỉ dôi dư của học sinh. Để được bữa cơm và phần quà tết tươm tất như kế hoạch thì nhà trường cần thêm khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này thầy đã kết nối huy động được từ tổ chức, cá nhân thiện nguyện, sẵn sàng cho hoạt động tết. Một kỳ nghỉ tết nữa sắp đến, mỗi cô cậu học trò miền biên viễn này sẽ lại rạng rỡ trở về nhà ăn tết với túi quà đậm tình thầy.

Trông bánh chưng, chờ tết

Nhiều năm qua, ngày hội gói bánh chưng, trải nghiệm tết cổ truyền đã trở thành hoạt động quen thuộc, được các trường từ thành thị tới nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao tổ chức; giúp học sinh các dân tộc thêm hiểu và tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tại Trường THCS Núa Ngam (huyện Điện Biên), cùng nhau gói bánh chưng, quây quần bên bếp ấm trông nồi bánh chưng là hình ảnh đẹp của thầy và trò nhà trường mỗi năm khi tết đến. Theo thầy Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng nhà trường: “Đây là hoạt động luôn thu hút sự tham gia đầy phấn khích, háo hức của học sinh nhà trường. Mỗi giáo viên vừa là người hướng dẫn, vừa trở thành bạn đồng hành với học sinh thực hiện mọi công đoạn từ khâu chuẩn bị cho đến hình thành nên chiếc bánh. Mặc dù còn vụng về, song em nào cũng hào hứng, thích thú khi được tận tay rửa lá, gói chiếc bánh cho riêng mình. Đến tối cả thầy và trò cùng trông nồi bánh chưng, rất ấm áp và vui vẻ. Một số năm nhà trường còn tổ chức thi thời trang tự chế, đốt lửa trại cho học sinh tham gia trước khi về nghỉ tết”.

Tại Trường THCS Núa Ngam, đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Năm học này Trường có 150/453 học sinh ở bán trú. Trước đây, vào những ngày cận tết, học sinh thường mong mỏi về nhà nên không yên tâm học tập. Nhiều em thậm chí nghỉ tết sớm. Song từ khi có các hoạt động trải nghiệm tết thì tình trạng này giảm hẳn. Thay vì nghỉ học về nhà sớm thì các em hỏi thầy cô năm nay có được gói bánh chưng không, sau tết thì đến lớp đủ 100%.

Thầy Thành chia sẻ thêm: Phụ huynh cũng rất ủng hộ các hoạt động tết này, chủ động đóng góp lá dong, lạt giang. Các nguyên liệu còn lại do nhà trường trích kinh phí chuẩn bị. Đây vừa là cơ hội để phụ huynh có thêm trải nghiệm cùng con, vừa góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc học của con em mình. Những chiếc bánh chưng, bữa tất niên đủ đầy cũng là tình cảm của thầy cô dành cho học sinh, mong muốn bù đắp phần nào thiếu thốn cho học sinh vùng cao. Dự kiến trước khi nghỉ tết năm nay, Trường sẽ tổ chức thêm chương trình văn nghệ, tạo không khí sôi nổi, tưng bừng chào đón năm mới cho thầy và trò.

Không có trong chỉ đạo cụ thể của ngành Giáo dục và Đào tạo nhưng các hoạt động tết sớm cho học sinh vẫn được 100% trường trên địa bàn tỉnh, thuộc mọi cấp học tổ chức hàng năm như một hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa. Trong dịp này các em được tham gia gói bánh chưng và nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, được ăn bữa cơm tất niên mang hương vị tết, thêm lon nước, hoa quả trong chế độ ăn. Ngoài ra, nhiều trường kết nối với các tổ chức thiện nguyện để có những món quà ý nghĩa, bộ quần áo mới, “góp tết” cùng các em và gia đình. Đây là cơ hội để gắn kết tình thầy - trò và cũng là dịp để chăm lo đời sống tinh thần cho các em, giúp học sinh thêm động lực đến trường, đi học chuyên cần, phấn đấu vươn lên theo đuổi ước mơ.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top