Hiệu quả từ phiên tòa giả định

14:07 - Thứ Tư, 22/02/2023 Lượt xem: 6058 In bài viết

ĐBP - Tại phiên tòa giả định, học sinh được tham gia trải nghiệm, tiếp cận thực tiễn để nâng cao hiểu biết về pháp luật và đúc rút những bài học, kinh nghiệm cho bản thân. Đây được coi là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của học sinh đối với phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên.

Vừa qua, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên, lần đầu tiên một phiên tòa giả định đã diễn ra từ sự phối hợp của nhà trường cùng Huyện đoàn, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, lực lượng công an huyện Điện Biên. Với hình thức sân khấu hóa, tình huống được dựng lại như một phiên tòa thật, quy trình, diễn biến theo đúng trình tự thủ tục trong Luật Tố tụng hình sự. Nội dung phiên tòa giả định về xét xử vụ án phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, dàn dựng dựa trên một vụ án có thật. Đặc biệt, ngoài lực lượng chức năng theo đúng vai trò, phiên tòa có sự tham gia của giáo viên, học sinh nhà trường trong vai hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Tình huống giả định đưa ra là bị cáo Quàng Văn Xuân (SN 2002) bị xét xử về hành vi sử dụng và lôi kéo người khác sử dụng ma túy. Xuân đã mua ma túy rồi viện lý do tổ chức sinh nhật, mời bạn bè đến quán karaoke dự. Tại đây, Xuân đã lấy ma túy (mang theo sẵn trong người) ra mời người yêu và bạn thân dùng thử. Khi 3 người đang sử dụng ma túy thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.

Để tái hiện phiên tòa, một số học sinh tham gia trực tiếp vào vai nhân vật, gồm bị cáo Xuân, người yêu và bạn thân của Xuân. Trực tiếp tham gia với vai trò là bị cáo, em Quàng Ngọc Hải, học sinh lớp 12A đã có nhiều trải nghiệm ấn tượng. Chia sẻ với chúng tôi, Hải cho biết: Trước khi phiên tòa diễn ra em có chút hồi hộp vì chưa hình dung được quá trình diễn ra phiên tòa sẽ như thế nào. Sau khi vào vai diễn, cảm giác đứng giữa phiên tòa, xung quanh là thẩm phán, công an, kiểm sát viên cùng với nghe kết luận mức án, em thấy sợ và suy nghĩ bản thân sẽ phải sống thật tốt để không lâm vào tình huống này.

Với nội dung và các tình tiết cụ thể, vụ án thực sự lôi cuốn những người tham dự và chứng kiến phiên tòa. Không chỉ phản ánh các hành vi phạm tội, quy định của pháp luật về mức án đối với hành vi phạm tội; phiên tòa giả định giúp học sinh tham dự hiểu rõ tác hại của ma túy và hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm này. Qua đó, các em nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn về hiểm họa và tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, tinh thần, nhân cách con người; nâng cao nhận thức trách nhiệm bản thân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là không tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên tham gia tái hiện phiên tòa.

Thầy giáo Vũ Hải Quân, Bí thư Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên cho biết: Tuy là giả định nhưng các hình thức tố tụng tại phiên tòa như một phiên tòa thật sự. Có tình huống cụ thể, lột tả chân thực hành vi, cách thức phạm tội. Một tình tiết hết sức thực tế và phù hợp với tâm lý học sinh, đó là trong lời khai tại tòa, đối tượng Xuân thừa nhận có ý định rủ người yêu và bạn thân sử dụng ma túy từ lâu vì muốn có bạn đồng hành. Với người yêu, Xuân sợ nếu bị phát hiện sẽ bỏ rơi nên chủ động cho nghiện cùng. Đối với lứa tuổi học sinh đang muốn khám phá, tìm hiểu cái mới nếu thiếu hiểu biết, bản lĩnh sẽ rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo làm việc xấu, vi phạm pháp luật.

Sau khi phiên tòa giả định kết thúc, học sinh toàn trường được nghe Công an huyện Điện Biên tuyên truyền phổ biến một số quy định pháp luật về phòng chống ma túy; nguồn gốc, tác hại, hậu quả của các loại ma túy. Ngồi chăm chú theo dõi phiên tòa giả định cũng như nghe báo cáo viên của Công an huyện tuyên truyền nội dung về phòng chống ma túy, em Lò Thị Kiều Oanh, lớp 10C chia sẻ: Em thấy chương trình này rất bổ ích. Dù đã được tham gia nhiều buổi tuyên truyền pháp luật nhưng đây là lần đầu tiên em thấy hứng thú nhất vì được chứng kiến trực tiếp một phiên tòa, với các tình huống cụ thể, chi tiết. Qua các tình tiết của vụ việc, em nhận thấy xã hội hiện nay có rất nhiều cạm bẫy, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên. Từ đó, giúp chúng em nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy để biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân trước tệ nạn này.

Hiện nay, việc giáo dục pháp luật cho học sinh đang ngày càng được chú trọng. Việc sử dụng hình thức tuyên truyền sáng tạo, phong phú được coi là cần thiết để tạo sự thu hút với học sinh. Thầy giáo Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng trường Phổ thông DTNT THPT huyện Điện Biên cho biết: Sau phiên tòa, trường đã tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến học sinh, giáo viên. Hiệu quả đạt được từ phiên tòa giả định rất cao, tác động mạnh vào ý thức của học sinh. Về cơ bản các em đều nắm chắc kiến thức cần thiết của Bộ luật Hình sự. Qua đó, các em tự ý thức xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội.

Thanh Niên
Bình luận

Tin khác

Back To Top