ĐBP - Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bằng sự đóng góp, chung tay của xã hội, đầu năm 2022 chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã đến với học sinh vùng cao Điện Biên, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các em học tập. Đến nay, việc mua sắm, bàn giao các thiết bị trong chương trình này tại tỉnh ta vẫn đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên với tình hình hiện tại và điều kiện địa bàn, một số quy định của chương trình có phần không phù hợp.
Cần thiết cho giáo dục vùng cao
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Huổi Lếch, huyện Mường Nhé có hơn 270 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, năm 2022, Nhà trường được đầu tư phòng Tin học với 10 máy tính để bàn. Năm 2023 đề xuất đầu tư thêm 24 máy. Ngoài ra, học sinh nhà trường đã nhận được hỗ trợ 24 máy tính bảng trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Những thiết bị này được tập trung về phòng Tin học, do nhà trường quản lý, để học sinh sử dụng khi đến giờ bộ môn hoặc khi cần tra cứu thông tin, phục vụ học tập. Em Hạng Thị Dợ lớp 7A cho biết: “Em không có điện thoại cá nhân, máy tính của trường thì ít, nhiều bạn phải ngồi học chung 1 máy. Nhờ có máy tính bảng mà em và các bạn được tiếp cận nhiều hơn với thiết bị hiện đại như vậy và có thể tìm kiếm, tham khảo thêm những thông tin giúp ích cho việc học tập”.
Thầy Nguyễn Văn Quynh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “80% học sinh nhà trường là con hộ nghèo, việc tiếp cận với máy tính, các thiết bị điện tử còn hạn chế. Trang thiết bị học tập của trường cũng còn khó khăn. Vì vậy, số máy tính bảng tiếp nhận từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã rất hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học tại trường”.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cũng vậy. Năm học trước, Trường được nhận 15 máy tính bảng trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Với số máy ít ỏi, trong khi số học sinh đông, nhu cầu sử dụng phục vụ học tập lớn, thầy Lò Văn Thái, Phó Hiệu trưởng cho biết: “Trường bảo quản máy tính bảng trong phòng thiết bị, cho học sinh sử dụng thường xuyên. Đặc biệt, khi chuẩn bị đến các kỳ thi chọn học sinh giỏi, violimpic... các em trong đội tuyển sẽ được ưu tiên mượn dùng để tra cứu thêm tài liệu học tập, rèn luyện kỹ năng. Các thiết bị này phát huy hiệu quả tốt cho học tập, nhất là giáo dục vùng cao như Phìn Hồ. Sắp tới, Trường sẽ có thêm 50 em được hỗ trợ máy tính bảng đợt 2”.
Băn khoăn quản lý và sử dụng máy
Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Điện Biên đã vận động, quyên góp, tiếp nhận ủng hộ được 44,81 tỷ đồng. Trong đó ủng hộ bằng tiền mặt hơn 32,5 tỷ đồng (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam tài trợ cho tỉnh 30 tỷ đồng; huy động, ủng hộ tại địa phương hơn 2,5 tỷ đồng). Ủng hộ bằng hiện vật có 5.000 máy tính bảng (giá trị 11,275 tỷ đồng) do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt tài trợ, và 5.000 sim 4G (giá trị 1 tỷ đồng) do Viettel Điện Biên tài trợ.
Được sự nhất trí của UBND tỉnh và ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ, số lượng máy tính bảng cấp phát lần 1 (số máy tính hỗ trợ bằng hiện vật) được phân bổ cho các trường học và làm thủ tục nhập kho, được ghi vào danh mục và quản lý, sử dụng như đồ dùng thiết bị dạy học. Khi có dịch bệnh trường xét cho học sinh mượn để học trực tuyến. Đối tượng xét cho mượn máy tính bảng đảm bảo các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định.
Trong giai đoạn hiện nay, học sinh đi học trực tiếp, máy tính bảng được lưu giữ trong kho, thư viện nhà trường, được bổ sung cho phòng tin học trong các nhà trường. Theo đó, đã góp phần giảm bớt tình trạng thiếu thiết bị dạy học, đáp ứng được phần lớn nhu cầu học tập, tra cứu tài liệu của toàn bộ đối tượng của chương trình đang học tập tại các trường.
Đối với nguồn tài trợ còn lại của chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở GD&ĐT cũng đã hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định. Đang trong các bước để bàn giao máy tính bảng đợt 2 cho các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc, cấp phát tới hơn 12.000 học sinh (đã được xét duyệt trong chương trình). Tuy nhiên, theo ý kiến của Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), số lượng máy tính bảng mua sắm từ nguồn vận động xã hội hóa tại địa phương phải cấp phát trực tiếp cho học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình. Đồng nghĩa với việc các trường không được lưu giữ, bổ sung cho phòng tin học, sử dụng như đồ dùng thiết bị dạy học.
Đối với địa bàn vùng cao tỉnh ta, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn thì việc triển khai này lại có thể gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên máy. Bởi lẽ nhiều học sinh sử dụng máy tính bảng hiệu quả chưa cao, do các em được nhận hỗ trợ đều thuộc đối tượng hộ nghèo, đa số không có kinh phí để duy trì thuê bao sim vào mạng internet. Cùng với đó, không ít khu vực khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đảm bảo để kết nối mạng đáp ứng yêu cầu học tập. Việc cá nhân bảo quản, sử dụng thiết bị điện tử sao cho hiệu quả, đúng mục đích, bền lâu cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng... Để chương trình “Sóng và máy tính cho em” phát huy ý nghĩa như mong muốn, việc triển khai chương trình; quản lý, hướng dẫn các em sử dụng, bảo quản, có trách nhiệm với thiết bị được hỗ trợ sẽ càng cần được quan tâm và giám sát chặt chẽ hơn nữa.