Ngành GD&ĐT gặp nhiều khó khăn về biên chế công chức, viên chức

18:33 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 7741 In bài viết

ĐBP - Chiều ngày 20/4, sau khi giám sát tại các huyện, thành phố, cơ sở giáo dục, đoàn giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Nội dung về “việc chấp hành chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020 – 2023”.

Bà Lò Thị Bích, Trưởng ban Pháp chế, Trưởng đoàn giám sát chuyên đề chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT.

Năm 2023, Sở GD&ĐT được giao 49 biên chế công chức, hiện đủ 49 công chức; viên chức sự nghiệp được giao 1.787 người, hiện có 1.723 người. Còn 64 chỉ tiêu chưa sử dụng, trong đó đang thực hiện quy trình tuyển dụng bổ sung 35 viên chức, còn 29 chỉ tiêu dự phòng cắt giảm năm 2024. Đội ngũ giáo viên dạy các môn chuyên biệt còn thiếu ở các cấp tiểu học, THCS, THPT liên tục được tuyển dụng bổ sung nhiều đợt trong năm học, từng bước đảm bảo về cơ cấu đội ngũ, đáp ứng yêu cầu dạy học. Giai đoạn 2020 - 2023, Sở đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết cho 1 công chức, 28 viên chức nghỉ thôi việc và nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế...

Những tồn tại, khó khăn liên quan đến biên chế mà ngành GD&ĐT gặp phải là: Biên chế công chức được giao hàng năm chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm đã được phê duyệt nhưng vẫn phải tinh giản, tạo áp lực lớn cho ngành; quy mô giáo dục ngày càng phát triển, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp tăng, song hàng năm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của ngành phải thực hiện cắt giảm theo lộ trình, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác. Cùng với đó, thu nhập đối với nhà giáo còn thấp, chính sách đãi ngộ còn eo hẹp, điều kiện sinh sống, làm việc ở vùng cao nhiều khó khăn, vì vậy tình trạng chuyển công tác, thôi việc ngày một tăng...

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời các vấn đề đoàn quan tâm.

Vì vậy Sở GD&ĐT kiến nghị HĐND tỉnh cho chủ trương xây dựng nghị quyết về số lượng tuyển sinh học sinh công lập hàng năm để có cơ chế thu học phí ngoài công lập, giảm áp lực thiếu giáo viên tại các trường công lập; UBND tỉnh bổ sung kinh phí hỗ trợ giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019, tạo nguồn giáo viên tuyển dụng cho tỉnh; UBND tỉnh quan tâm ưu tiên phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng phòng học có diện tích theo quy định của Bộ GD&ĐT để tăng sĩ số học sinh trên lớp, giảm áp lực thiếu giáo viên; cho phép điều chỉnh số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tỷ lệ tinh giản biên chế thuộc UBND cấp huyện để tiến tới cân đối, tương đồng giữa các đơn vị... Đồng thời đề xuất Sở Nội vụ bổ sung chính sách thu hút đối với giáo viên tốt nghiệp trình độ đại học trở lên chuyên ngành sư phạm Tiếng Anh, Tin học; xây dựng cơ chế ưu tiên tuyển dụng đối với giáo viên đào tạo theo nguồn của tỉnh; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có hợp đồng giáo viên theo quy định...

Thành viên đoàn, đại diện các sở, ngành liên quan trả lời, làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất, vướng mắc khó khăn liên quan tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tinh giản biên chế ngành giáo dục. Qua thực tế cơ sở và các thông tin trao đổi với Sở GD&ĐT, bà Lò Thị Bích, Trưởng đoàn giám sát khẳng định: Đoàn có thêm những nhìn nhận đầy đủ, khách quan trong thực hiện công tác biên chế giáo dục; ghi nhận những cố gắng và chia sẻ khó khăn với Sở trong bối cảnh biên chế còn thiếu, vướng mắc. Đồng thời thống nhất với kết quả, thông tin Sở cung cấp, đoàn nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị hợp lý. Đoàn sẽ làm việc với cơ quan tham mưu cho tỉnh về nội dung này (Sở Nội vụ) để làm rõ các vấn đề bất cập về biên chế liên quan đến ngành GD&ĐT...

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top