Nên tiếp tục cho thử nghiệm đề minh họa thi tốt nghiệp THPT

16:32 - Thứ Tư, 03/01/2024 Lượt xem: 3989 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đánh giá từ phía giáo viên, đề thi minh họa tốt nghiệp THPT nhìn chung có nhiều đổi mới theo hướng chú trọng năng lực của người học, phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.

Tuy vậy, các ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT tiếp tục cho thử nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhằm tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong dạy và học theo chương trình GDPT mới.

Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng phù hợp với định hướng của chương trình GDPT mới. Ảnh minh họa

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, định dạng đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện việc đánh giá năng lực rõ nét, chính xác hơn, tư duy sâu hơn so với đề hiện tại. Khác với 50 câu trắc nghiệm đang dùng, đề minh họa  mới có nhiều định dạng câu hỏi trong khi lại có ít cách thức để tìm đáp án.

Kiểu câu hỏi đúng, sai và điền đáp án với mức độ nâng cao dần đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng có độ sâu tương ứng. Bên cạnh đó, đề thi cũng phù hợp với mục tiêu chương trình GDPT năm 2018, đề thi có sự phân loại tốt, có thể dùng để tuyển sinh đại học, đồng thời đề kiểu mới cũng sẽ góp phần thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá trong nhà trường.

Mặc dù vậy, thầy Trần Mạnh Tùng cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần giới thiệu cả ma trận và bảng đặc tả, bổ sung các câu hỏi mức độ vận dụng cao để phân loại thí sinh tốt hơn nữa. Mặt khác, chương trình GDPT mới đề cao tính ứng dụng của Toán học. Do đó, các đề bài cần xuất phát từ một vấn đề cụ thể của cuộc sống, cần đưa Toán vào thực tế, đưa thực tế vào Toán để gần gũi hơn với cuộc sống. Và quan trọng hơn, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục thử nghiệm và lấy ý kiến giáo viên, chuyên gia về đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. “Theo Bộ GD&ĐT, đề thi minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh. Như thế là còn rất ít. Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục cho thử nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi, tiến tới xây dựng và công bố ma trận, bảng đặc tả và đề thi minh họa tốt nghiệp THPT cho năm 2025 để thuận lợi cho việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá theo chương trình GDPT mới. Cùng với đó, cần bồi dưỡng cho tất cả giáo viên hiểu và thực hiện được việc đánh giá theo định dạng mới này cũng như có lộ trình triển khai cho các Sở GD&ĐT, cho các nhà trường” - thầy Tùng nêu quan điểm.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT công bố trước hơn một năm về định hướng và cấu trúc đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là cần thiết và hữu ích cho giáo viên cũng như học sinh trong việc học tập, ôn luyện cho kỳ thi này. Cô Nguyễn Ngọc Lan, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết, nhìn chung cấu trúc đề thi môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đã bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của chương trình GDPT 2018. Đề thi vừa kế thừa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội lâu nay đã khá quen thuộc, vừa tập trung đổi mới ở phần viết nghị luận văn học nhằm khắc phục việc học thuộc và chép văn mẫu. Còn theo nhận định của các giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi minh họa tất cả các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ đều bám sát tinh thần của chương trình GDPT mới. Trong đó, hình thức, cấu trúc, định dạng đề thi được thay đổi để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực mà chương trình GDPT mới đang hướng tới. Đề thi có thêm hai định dạng trắc nghiệm mới gồm: Trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.

Lý giải về thay đổi hình thức, cấu trúc, định dạng của đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ. Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực. Hiện, trừ Ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm chọn một trong bốn phương án. Do đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh. Mỗi dạng thức đề thi đều có ưu, nhược điểm, Bộ GD&ĐT đã tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm với 5.000 học sinh tại một số tỉnh, thành phố. Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi đã được tiến hành phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS) tại đợt tập huấn toàn quốc cho hơn 3.500 cán bộ, giảng viên, giáo viên thuộc 63 Sở GD&ĐT và 12 cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở phân tích kết quả thử nghiệm, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia (là tác giả chương trình GDPT 2018, tác giả sách giáo khoa, giảng viên và giáo viên có nhiều kinh nghiệm) làm việc tập trung để hoàn thiện cấu trúc định dạng đề thi cùng đề minh họa để công bố. Tuy nhiên, tại thời điểm này, do chương trình GDPT 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top