Đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn: Bài toán cần sự hợp lực

10:29 - Thứ Hai, 11/03/2024 Lượt xem: 4625 In bài viết

Một trong số ngành học mới được nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến mở thêm trong mùa tuyển sinh năm 2024 nhằm “đón đầu” nhu cầu thị trường và có thể đáp ứng cơn khát nhân lực là ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tuy vậy, mục tiêu từ nay đến năm 2030, có khoảng 50.000 kỹ sư phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện vẫn là bài toán không dễ, rất cần sự hợp lực giữa các cơ sở đào tạo ĐH và các bộ, ngành.

Trường đại học chủ động nhập cuộc

Để đón đầu xu thế nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, nhiều trường ĐH trên cả nước đã chủ động mở mới và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024. Trong số này, có thể kể đến ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn; Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM; Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa… Trước đó năm 2023, một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP  Hồ Chí Minh, Trường Đại học FPT đã mở mới và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch- bán dẫn.

Học sinh lớp 12 đến tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đơn vị có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện, ĐH Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, từ nay đến năm 2030, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân/kỹ sư thuộc và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Trước đây, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có đào tạo chuyên ngành gần với quy mô 200 kỹ sư và 50 thạc sĩ/năm. Hiện, cơ sở đào tạo này đóng góp trên 50% nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn cho TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, một số trường thành viên như: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin có thể tuyển sinh trong năm nay, bao gồm cả trình độ đại học và thạc sĩ. Hiện nay, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tuyển dụng và bồi dưỡng thêm cho các giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu đầu tư thêm 2 phòng thí nghiệm và xây dựng cơ chế cho các trường ở TP Hồ Chí Minh cùng sử dụng chung.

Còn theo GS.TS Chử Đức Trình, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, mỗi năm nhà trường có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến ngành vi mạch bán dẫn. GS.TS Chử Đức Trình cho rằng, nếu hợp lực giữa các cơ sở đào tạo thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030, sẽ đào tạo 50.000 người có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực này.

Đề xuất cơ chế ưu đãi để thu hút người học và đội ngũ chuyên gia

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.

Còn theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường ĐH của Việt Nam. Số liệu từ Bộ TT&TT cũng cho thấy, nhu cầu nhân lực CNTT, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Nhiều trường đại học tuyển sinh ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn từ năm 2024. Ảnh minh họa

Nhận định đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là vấn đề cấp thiết, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đề xuất, ngoài các phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo, mỗi khu vực nên xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, đủ lớn và có quy chế khai thác, sử dụng, đặc biệt là mục đích đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó, có thể thành lập trung tâm điều phối về việc đặt hàng đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp; cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và sử dụng giảng viên thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn; đồng thời có chính sách thu hút sinh viên theo học lĩnh vực này.

Tại cuộc họp trực tuyến với các trường ĐH về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định: Nhu cầu 50.000 người có trình độ ĐH trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ, vì vậy rất cần quyết tâm, đồng lòng giữa các trường ĐH, sự phối hợp giữa các bộ, ngành để đạt được mục tiêu này. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn cần chú trọng theo hướng “rộng - sâu - cao”, trong đó tập trung vào yếu tố “sâu và cao”. Điều này có nghĩa, nhân lực được đào tạo phải đạt được trình độ cao và chuyên môn sâu.

Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước, người Việt Nam ở nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, doanh nghiệp. Lưu ý về đội ngũ giảng viên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Các trường ĐH cần chú trọng đào tạo cơ bản và chuyên sâu, cùng với đó sớm đề xuất chính sách ưu đãi thu hút, đào tạo giảng viên, chuyên gia và người học. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề cập đến một số vấn đề cần được quan tâm trong việc đào tạo nhân sự ngành này như xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung làm sao để vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top