Khắc phục tồn tại, “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số giáo dục

16:30 - Thứ Hai, 25/03/2024 Lượt xem: 5727 In bài viết

ĐBP - Đó là một trong những nội dung được thảo luận, trao đổi tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án), do Sở GD&ĐT tổ chức chiều ngày 25/3 với 50 điểm cầu trực tuyến.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Đoạt phát biểu tại Hội nghị.

Theo số liệu báo cáo, sau 2 năm triển khai Đề án, toàn ngành GD&ĐT Điện Biên hiện có 12.294 máy tính phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học tại các nhà trường. Số lượng máy chiếu, và các thiết bị dạy học cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. 100% trường có kết nối internet tốc độ cao và phủ sóng wifi. Trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin của cán bộ, giáo viên nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc. Các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý được triển khai đồng bộ từ Sở GD&ĐT, đến các trường như phần mềm quản lý văn bản, cơ sở dữ liệu ngành, quản lý thi, quản lý cán bộ công chức, viên chức, quản lý tài chính, tài sản… Các phần mềm hỗ trợ soạn giáo án, dạy học và kiểm tra đánh giá được triển khai hiệu quả. Các trường cũng chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tuyến trong trường hợp học sinh phải tạm dừng đến trường do thiên tai, dịch bệnh...

Đạt nhiều kết quả, song chuyển đổi số ngành GD&ĐT vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, như: Nhiều máy tính, trang thiết bị dạy học được đầu tư đã lâu hiện xuống cấp, cấu hình thấp không đảm bảo; tốc độ đường truyền internet tại một số trường chưa ổn định; một số điểm trường, điểm bản chưa có điện lưới, internet; số lượng giáo viên môn Tin học còn thiếu, đặc biệt ở cấp tiểu học. Nhiều cán bộ phụ trách công nghệ thông tin trong trường là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên ngành...

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Sở GD&ĐT.

Vì vậy Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: “Sở đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Trong đó tập trung vào việc rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc và các “điểm nghẽn” đang gặp phải. Để thực hiện đảm bảo kế hoạch, các phòng GD&ĐT, các nhà trường cần tập trung vào một số nhiệm vụ như hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hoàn thành phần mềm quản lý thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ từ Sở, phòng GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục, nhằm quản lý một cách toàn diện, thống nhất, góp phần công khai minh bạch. Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để triển khai thí điểm học bạ điện tử cấp tiểu học từ năm học 2024 - 2025. Tiếp tục rà soát để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Các đại biểu, đại diện các sở, ngành liên quan (Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông), các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề để phối hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số...

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top