Xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Cần cân đối tỷ lệ chỉ tiêu để đảm bảo công bằng

15:01 - Thứ Tư, 03/04/2024 Lượt xem: 4600 In bài viết

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 trường đại học (ĐH) trên cả nước thông báo sẽ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, chứng chỉ IELTS nói riêng trong tuyển sinh đại học năm 2024.

Trước việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng có xu hướng trở nên phổ biến và các thí sinh sở hữu chứng chỉ này cũng có nhiều lợi thế hơn so với các học sinh còn lại, nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH chỉ nên dành một tỷ lệ nhất định cho việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này nhằm đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh, giữa các đối tượng học sinh.

Dù hiện đang có những cách thức quy đổi, tính điểm ưu tiên khác nhau đối với thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong xét tuyển song nhìn chung, các trường ĐH ở top đầu đều “chuộng” phương thức này và đây là lợi thế của thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, nhất là chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế.

Xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang trở thành xu hướng được nhiều trường đại học lựa chọn. Ảnh minh họa

Trao đổi tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết: Các trường ĐH được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển đầu vào hay không thuộc quyền của các trường. Tuy nhiên, xu hướng chung, sẽ không trường ĐH nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Lý giải điều này, bà Phương cho rằng, Việt Nam đang cố gắng hội nhập quốc tế, mà muốn hội nhập thì phải có ngoại ngữ. Theo quy định hiện hành, để tốt nghiệp ĐH, sinh viên bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ; có trình độ ngoại ngữ sẽ mở rộng cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập. Qua thống kê cho thấy, những sinh viên “làm chủ” ngoại ngữ sau khi ra trường có mức lương cao hơn những bạn trình độ ngoại ngữ kém. Vì vậy, xu hướng các trường ĐH xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đang ngày càng trở nên phổ biến.

Còn theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, hiện nhà trường có khoảng 20 chương trình được giảng dạy bằng ngoại ngữ. Do đó, việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển là cần thiết. Tuy nhiên, chứng chỉ ngoại ngữ hay đánh giá năng lực quốc tế chỉ là điều kiện cần khi xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Ngoại thương. Ngoài các chứng chỉ này, thí sinh cần những điều kiện khác như: Kết quả học tập THPT hoặc tốt nghiệp THPT, số điểm đạt được khi tham gia thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ…

  Khẳng định xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu hướng tuyển sinh phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi phương thức này tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn và phù hợp với tiêu chuẩn đầu ra của các trường ĐH. Đặc biệt, với một số ngành có yêu cầu cao về năng lực Tiếng Anh như chương trình liên kết quốc tế; chương trình chất lượng cao giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, việc ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế là hoàn toàn phù hợp. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các trường ĐH cần tính toán dành một số lượng chỉ tiêu nhất định, khoảng trên dưới 10% cho phương thức xét tuyển này nhằm đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đối với các đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển ĐH bên cạnh những ưu điểm cũng có hạn chế nhất định. Chẳng hạn, có thể không công bằng vì các trường ĐH phải dành chỉ tiêu để xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ nên chỉ tiêu cho các phương thức còn lại giảm xuống, khiến điểm chuẩn tăng lên. Với thí sinh ở vùng sâu, xa, không có điều kiện học ngoại ngữ, vô hình trung trở thành nhóm yếu thế khi trường đại học xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Theo đề xuất của ông Dũng, bên cạnh việc Nhà nước cần đầu tư phát triển ngoại ngữ ở vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách về trình độ ngoại ngữ những vùng này với khu vực đồng bằng, thành thị thì đối với các trường ĐH, chỉ tiêu xét chứng chỉ ngoại ngữ cũng chỉ nên dành tối đa khoảng 10%. Số chỉ tiêu còn lại nên để tất cả thí sinh có thể cùng cạnh tranh trên thang đo chung, đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho học sinh ở tất cả các vùng miền khác nhau.

Theo tính toán, chỉ tính riêng lệ phí một đợt thi IELTS hiện nay đã gần 5 triệu đồng, chưa kể để ôn thi IELTS, các em phải có nền tảng học tiếng Anh tốt, đồng thời trải qua quá trình ôn tập từ nhiều năm tại các trung tâm luyện thi IELTS với mức học phí có thể lên tới vài chục triệu đồng. Như vậy, để có được một chứng chỉ IELTS, tổng chi phí là khá lớn.

Điều này có thể đơn giản với những thí sinh có sức học tốt và có điều kiện. Tuy nhiên sẽ là rất khó khăn với những thí sinh mà gia đình không dư dả về mặt tài chính, nhất là những thí sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cho dù các em có điều kiện thì khu vực các em sống cũng khó có được những trung tâm, những lò luyện chất lượng để tham gia luyện thi, rồi các em phải tới các thành phố lớn để dự thi.

Điều này rõ ràng sẽ là một bất lợi và thiệt thòi lớn đối với các em. Từ thực tế trên, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học tại Hà Nội cho rằng, nếu các trường ĐH không đặt ra một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì về lâu dài sẽ đẩy việc học Tiếng Anh tới chỗ cực đoan và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top