Chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

08:49 - Thứ Năm, 04/04/2024 Lượt xem: 22903 In bài viết

ĐBP - Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2006. Từ năm tới, cách thức tổ chức, cấu trúc, nội dung thi có thể sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với chương trình mới. Bởi vậy công tác ôn thi được các nhà trường cùng học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh dồn sức, tập trung, phấn đấu để có kết quả như ý.

Cô và trò lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng sắp tới.

“Chiến lược” ôn tập

Năm học này toàn tỉnh ta có gần 6.000 học sinh cuối cấp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp là bước ngoặt quan trọng, nhìn lại 12 năm “đèn sách”, bước đệm cho các em trong lựa chọn con đường sắp tới: Tiếp tục học đại học, cao đẳng, học nghề hay ra đi làm ngay. Đây lại là kỳ thi cuối theo chương trình giáo dục cũ, vì thế việc chuẩn bị cho kỳ thi càng được các trường và học sinh chú trọng đặc biệt, lên “chiến lược” ôn tập.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, năm học này có 3 lớp 12 với hơn 100 học sinh. Qua khảo sát, hầu hết các em phấn đấu vào học trường chuyên nghiệp. Có 30% học sinh đặt mục tiêu khối D, 35 - 40% các khối xã hội, còn lại là các tổ hợp khác. Ngay từ đầu năm lớp 12, nhà trường, giáo viên các bộ môn đã phân loại nhóm năng lực của học trò để định hướng các em trong việc lựa chọn ngành, nghề, trường phù hợp và dễ dàng xây dựng kế hoạch, chuyên đề, tổ chức ôn tập cho học sinh, giúp các em đạt điểm cao nhất trong Kỳ thi sắp tới.

Thời điểm này, hầu hết các trường đều đã tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp 1 – 2 lần, giúp các em rèn luyện, đánh giá được năng lực bản thân.

Cô Hà Thị Biên Thùy, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Sau khi phân loại học sinh theo năng lực, nguyện vọng, chúng tôi vừa ôn chắc kiến thức nền cho học sinh, để các em đảm bảo mức độ nhận biết và thông hiểu. Vừa nâng cao, tăng cường kiến thức chuyên sâu ở mức độ vận dụng thấp và cao cho các em dự định thi các khối có môn Toán. Cùng với đó luôn cập nhật về kỳ thi, vì là thi trắc nghiệm nên hướng dẫn các em giải đề kết hợp hiệu quả với máy tính cầm tay, để ra kết quả đúng và nhanh nhất...”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi năm nay về cơ bản giữ ổn định cấu trúc định dạng như năm 2023. Tuy nhiên, dự kiến trong đề thi tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, tăng dần độ phân hóa để Kỳ thi đạt được các mục tiêu đề ra. Em Trần Đăng Phúc, lớp 12S chia sẻ: “Em đăng ký nguyện vọng thi khối D vào Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Vừa qua trường tổ chức thi thử tốt nghiệp, kết quả thi môn Ngữ Văn và Tiếng Anh của em khá tốt, nhưng Toán thì thấp hơn. Vì thế em đang củng cố, phát triển những kiến thức mình đã có, vừa cải thiện phần còn thiếu, để nâng cao điểm số lần thi sau, đáp ứng làm đề thi tốt theo định hướng ra đề của Bộ”.

Trường THPT Thanh Nưa có 189 học sinh lớp 12, trong đó khoảng hơn 20% học sinh dự định dự thi cao đẳng, đại học.

Vững kiến thức và tinh thần

Các trường THPT trên địa bàn tỉnh ta đều đã tổ chức ít nhất 1 lần thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh để đánh giá lại kiến thức của các em và rèn luyện tinh thần phòng thi, giúp các em tự tin, bản lĩnh trước kỳ thi quan trọng.

Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) với 189 học sinh lớp 12 cũng đã tổ chức 2 lần thi thử. Lần gần đây nhất mới diễn ra, giáo viên đang thực hiện chấm thi. Cô Lê Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường xây dựng kế hoạch 4 lần thi thử, rèn kỹ năng làm bài, củng cố kiến thức cho học sinh. Qua kết quả thi có thể đánh giá thực chất tình hình học tập, để thầy cô phối hợp với cả phụ huynh động viên, điều chỉnh phương pháp học cho phù hợp với các em, nhất là các em có nguyện vọng thi đại học. Hiện tại các em vừa học vừa ôn tập. Nhà trường cố gắng đến tháng 5 hoàn thành sớm chương trình học chính khóa để các em tập trung ôn luyện, bước vào giai đoạn cao điểm...”

Em Lò Hoàng Hải, lớp 12C1 tâm sự: “Sau 2 lần thi thử, em đã bớt hồi hộp, lo lắng khi bước vào phòng thi, em cũng biết rõ em yếu môn nào, mảng nào để đầu tư thêm. Thời điểm này em tích cực nghe giảng, giải bài trên lớp. Khi về nhà em giành thời gian xem lại bài cũ, luyện đề và nhờ thầy cô tư vấn để tìm kiếm, nghiên cứu thêm các tài liệu, trang uy tín trên mạng để nâng cao kiến thức”.

Giáo viên Trường THPT Thanh Nưa trò chuyện động viên các em ngoài giờ lên lớp.

Với đặc thù tuyển sinh các xã vùng cao, hầu hết học sinh Trường THPT Thanh Nưa dự định con đường tương lai học nghề, đi làm sau khi tốt nghiệp, chỉ có khoảng 50 học sinh xét tuyển cao đẳng, đại học. Cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên môn Văn của trường cũng chia sẻ: “Đa phần các em chỉ thi tốt nghiệp và lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội, trong đó có môn Văn. Vì thế ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phân phối chương trình phù hợp, bám sát nhất theo khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đảm bảo vững kiến thức nền tảng cho toàn bộ học sinh và bồi dưỡng thêm cho các em dự thi đại học. Cùng với đó quan tâm, động viên tinh thần học sinh, nhất là các em ở nội trú; thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, tìm hiểu tâm tư, khuyến khích học sinh cố gắng cho giai đoạn quan trọng này”.

Với những cách làm đó, học sinh cuối cấp trên địa bàn tỉnh đang được trang bị cả kiến thức, kỹ năng, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi quyết định sắp diễn ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top