Khảo sát thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ mẫu giáo tại Điện Biên

17:28 - Thứ Ba, 09/04/2024 Lượt xem: 5701 In bài viết

ĐBP - Chiều ngày 9/4, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cùng đoàn công tác khảo sát thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo tại huyện Điện Biên. Cùng đi với đoàn có bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội chủ trì nội dung làm việc về thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo.

Điện Biên là tỉnh miền núi phía Bắc duy nhất mà đoàn đến thực tế nắm bắt tình hình thực tiễn, các vấn đề vướng mắc, phát sinh. Qua đó phản biện, thẩm tra, tham mưu xây dựng Luật Nhà giáo và Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 3 – 4 tuổi.

Báo cáo đoàn công tác, huyện Điện Biên thông tin, chia sẻ nhiều khó khăn gặp phải trong thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo. Đó là việc thừa/thiếu giáo viên hàng năm chưa được giải quyết dứt điểm; giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng chưa được thực hiện chế độ tăng giờ; chưa có quy định về thời gian nhà giáo được luân chuyển công tác từ vùng đặc biệt khó khăn về công tác gần nhà hoặc vùng thuận lợi đến vùng khó khăn cùng huyện... Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo cũng còn một số bất cập.

Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Điện Biên về thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em mẫu giáo.

Từ thực tế ấy, huyện Điện Biên thể hiện quan điểm cần xây dựng Luật Nhà giáo. Cùng với đó đề xuất một số nội dung như: quy định cụ thể việc bồi dưỡng, đào tạo như thế nào thì không phải nộp học phí và nguồn kinh phí được chi từ đâu; chính sách tuyển dụng thu hút người giỏi đến công tác tại các xã đặc biệt khó khăn; quy định thời gian luân chuyển, thuyên chuyển đối với các nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, xa nhà; chính sách với giáo viên dạy liên trường, 2 cấp học trong trường...

Đồng chí Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên trao đổi tại buổi làm việc với đoàn khảo sát.

Về việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non, toàn huyện Điện Biên có 26 trường mầm non với 26 điểm chính và 87 điểm bản. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - dưới 36 tháng tuổi đạt 56,2%, trẻ 3 - 5 tuổi đạt 99,9%. Các trường đều thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi. Tuy nhiên công tác này vẫn còn một số khó khăn. Một số điểm trường vùng đặc biệt khó khăn chỉ 1 cô/lớp, số lượng trẻ các độ tuổi ít phải ghép lớp nhiều độ tuổi; giáo viên mầm non tại điểm trường vùng khó khăn làm việc quá thời gian quy định; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi mới chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu do kinh phí hạn chế...

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo.

Với nội dung này, huyện Điện Biên kiến nghị nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; có chế độ hỗ trợ trông trưa cho giáo viên mầm non và chế độ hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn; nâng mức hỗ trợ giáo viên mầm non dạy điểm trường lẻ, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ, dạy lớp ghép; tăng mức hệ số lương của giáo viên mầm non bằng các cấp học khác; bổ sung đủ biên chế giáo viên, nhân viên mầm non...

Thành viên đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tham gia ý kiến tại buổi làm việc.

Thành viên đoàn công tác và đại biểu huyện Điện Biên tham gia nhiều ý kiến trao đổi, làm rõ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất. Từ đó đoàn tổng hợp, nghiên cứu tham mưu xây dựng Luật và Đề án. Trước khi làm việc với UBND huyện Điện Biên, tổ khảo sát thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non của đoàn đã đi thực tế tại Trường Mầm non số 1 xã Na Tông.

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top