Bộ GD-ĐT: Chứng chỉ nếu đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng được sử dụng bình thường

09:42 - Thứ Sáu, 10/05/2024 Lượt xem: 4863 In bài viết

Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đảm bảo điều kiện chất lượng sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường về thi, tuyển sinh và đào tạo. Ảnh: CC

Liên quan đến kết quả thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc IDP cấp trái phép hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam, chiều 9-5, Bộ GD&ĐT khẳng định: Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Cụ thể, theo đại diện Bộ GD&ĐT, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng các kỳ thi và quyền lợi của người dự thi.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Theo kết quả thanh tra, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã ban hành Công văn số 889/QLCL- QLVBCC ngày 9-6-2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15-6-2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Như vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.

*Sáng ngày 9-5, IDP đã ra thông báo: "IELTS là bài kiểm tra ngôn ngữ có giá trị cao và đáng tin cậy nhất trên thế giới. Chúng tôi biết rằng vấn đề về tính hợp lệ của chứng chỉ IELTS trong năm 2022 đang thu hút sự quan tâm của truyền thông cũng như các thí sinh. Chúng tôi xin khẳng định các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận".

Thông báo cũng nêu: "Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp làm việc chặt chẽ với Bộ GD&ĐT như từ trước đến nay để đảm bảo tuân thủ theo mọi yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp sở tại"

Trước đó, ngày 8-5, theo kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31/12/2022, Công ty đã liên kết tổ chức thi IELTS Test Report Form cho 67.195 người, cấp 66.153 chứng chỉ IELTS. Địa điểm thi được trải rộng trong cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 16 tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, từ ngày 1-1-2022 đến ngày 9-9-2022, Công ty IDP chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Tuy nhiên, công ty này đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 46.643 chứng chỉ, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Từ ngày 10-9-2022 đến ngày 16-11-2022, Công ty chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với tổng số 9.587 chứng chỉ.

Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu rõ, trách nhiệm này thuộc Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP Việt Nam.

Kết luận thanh tra cũng cho biết, ngày 15-6-2023, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Trong đó nêu: "Thí sinh đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10-9-2022 để xét miễn thi bài thi ngoại ngữ theo quy định".

Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện đúng các quy định cho phép.

Công ty IDP rà soát, báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao Cục Quản lý chất lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có).

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top