Thực chất và công bằng hơn

08:47 - Thứ Ba, 19/11/2024 Lượt xem: 1047 In bài viết

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện các trường đại học đang sử dụng hơn 20 phương thức xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ...).

Theo đó, mỗi năm, khoảng 50% trong số hơn 600.000 thí sinh đỗ đại học bằng cách này. Nhiều trường công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm từ tháng 3, tháng 4, thậm chí là tháng 1 hằng năm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực giáo dục, việc xét tuyển sớm không bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Đáng nói, việc xét tuyển sớm còn bất cập khi nhiều trường đại học tuyển sinh bất chấp năng lực đào tạo…

Nguyên nhân của tình trạng này là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đến nay vẫn chưa có công cụ quản lý chặt chẽ điểm số nói riêng, điểm học bạ nói chung ở các trường phổ thông, dẫn đến việc dễ làm đẹp học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường. Chưa kể, chất lượng các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều nên việc chấm điểm cho học sinh mỗi nơi cũng khác nhau. Các trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh có thể nảy sinh một số tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí xuất hiện tình trạng mua điểm. Điều này dẫn tới việc khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sớm sẽ là không công bằng với học sinh, có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Đặc biệt, việc này khiến số chỉ tiêu còn lại ít, điểm tuyển sinh phương thức khác sau đó sẽ tăng lên, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.

Tại hội nghị giáo dục đại học 2024 diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 8-2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã thẳng thắn nhìn nhận, việc tuyển sinh đại học sớm tác động đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng, điều đó rất tai hại. Để khắc phục những bất cập của việc xét tuyển sớm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các trường không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển, chọn phương thức xét tuyển càng đơn giản càng tốt nhằm tạo thuận lợi cho học sinh và xã hội. Các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm, tự chủ phải trong khuôn khổ các quy định hiện hành.

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, các trường đại học cần sớm công bố phương thức tuyển sinh đầu vào, theo hướng khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng và bảo đảm tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển. Nếu vẫn duy trì nhiều phương thức xét tuyển thì từ năm 2025 cần có thêm quy định các cơ sở giáo dục đại học chỉ được công bố trúng tuyển sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường có trách nhiệm rà soát và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội, bảo đảm công bằng cho thí sinh; đồng thời, loại bỏ phương thức xét tuyển không bảo đảm công bằng, hiệu quả. Các phương thức xét tuyển không được gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động dạy và học ở nhà trường phổ thông.

Được biết, mới đây, hàng loạt trường đại học đã công bố sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông từ năm 2025. Bên cạnh đó, nhiều trường cắt giảm mạnh chỉ tiêu cho phương thức này hoặc chỉ là điều kiện sơ tuyển, việc tuyển sinh chỉ bằng một phương thức, đó là kết hợp tất cả các yếu tố: Điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ… Tin tưởng rằng, kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ thực sự công bằng và thực chất hơn cho học sinh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top