ĐBP - Qua sự kết nối của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có cuộc khảo sát, tìm hiểu tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Sau chuyến đi thực tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã ưu tiên lựa chọn hợp tác, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Đây được coi là khởi đầu tốt đẹp mà người dân cũng như chính quyền địa phương kỳ vọng.
Nằm trên độ cao từ 1.200m - 1.800m so với mực nước biển, tỷ lệ che phủ rừng trên 38%, đất đai giàu mùn, tầng canh tác khá dày… xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) quanh năm khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó có cây sâm. Đây cũng là điểm khảo sát các nhà đầu tư Hàn Quốc lựa chọn đầu tiên để tìm hiểu mô hình trồng sâm ở Điện Biên.
Quan sát tỉ mỉ khu vườn sâm gần 2.000 cây của anh Mùa A Dụa, bản Ten Hon, xã Tênh Phông, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Korcharm - CEO HSDC, một trong những nhà đầu tư Hàn Quốc chia sẻ: Trước khi đến Điện Biên, tôi không nghĩ cây sâm của Điện Biên lại có thể sinh trưởng như cây sâm ở Hàn Quốc. Tuy nhiên khi được đến tận nơi tìm hiểu mô hình trồng sâm của người dân, được nghe lãnh đạo địa phương giới thiệu về tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tôi và các thành viên trong đoàn đều hết sức ngạc nhiên. Mọi người rất ấn tượng bởi mô hình trồng sâm của các bạn với cách điều chỉnh nhiệt độ khu vườn đơn giản, cách đuổi côn trùng cắn cây rất tự nhiên bằng tinh dầu. Đặc biệt là cây sâm nơi đây có khả năng sinh trưởng, phát triển, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng. Bởi những lẽ đó tôi đã tin tưởng cây sâm Hàn Quốc cũng có thể sinh trưởng, phát triển tốt tại Điện Biên. Sau chuyến đi này, những hạt giống sâm Hàn Quốc đầu tiên sẽ nhanh chóng được gửi đến Điện Biên để các bạn trồng thử nghiệm.
Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức điều tra, đánh giá, xác định được một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị tại các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy một số vùng của tỉnh có phân bố tự nhiên một số loài sâm và có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp có thể phát triển thành vùng tập trung. Điển hình như các xã: Tênh Phông, Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo); Trung Thu (huyện Tủa Chùa); Mường Phăng, Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) và các xã thuộc khu vực rừng đặc dụng Mường Nhé (giáp tỉnh Lai Châu). Đây đều là những vị trí có độ cao trên 1.200m, tỉ lệ che phủ rừng lớn, lớp thảm mục thực vật dày, khí hậu phù hợp để phát triển các loại sâm. Với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là dược liệu quý như sâm Ngọc Linh. Song thực tế hiện nay việc phát triển loài này còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính chất tự phát, hầu hết chưa có liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, chưa thực sự đầu tư để loài cây này trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, các kỹ thuật về chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến sản phẩm đối với người dân còn hạn chế...
Trên cơ sở tiềm năng đó, thỏa thuận hợp tác chiến lược về “Trồng, chế biến, chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm Điện Biên, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh” vừa được ký kết thành công giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ phát triển các loại sâm ở Điện Biên. Hai bên đã thống nhất chia sẻ kinh nghiệm trồng, chế biến, phát triển cây sâm Điện Biên trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của các bên nhằm thúc đẩy cơ hội đầu tư và phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam và Công ty Cổ phần tập đoàn MHGROUP sẽ là đối tác và là thành viên tích cực có uy tín cùng phối hợp, tư vấn kết nối, xúc tiến đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ để hỗ trợ các lĩnh vực mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, mong muốn. Từ đây, cây sâm Điện Biên không chỉ được trồng, chế biến, chuyển giao công nghệ mà sẽ còn có mặt tại nhiều thị trường, tại các hội nghị, hội chợ, sự kiện quảng bá; tham gia cùng mạng lưới vận chuyển và tiêu thụ hàng Việt ở nước ngoài. Cùng với đó là việc hỗ trợ đào tạo nghề một cách bài bản, tạo việc làm cho người trồng sâm ở Điện Biên.
Không chỉ quan tâm về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có cây sâm, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đến thăm một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh và địa điểm có tiềm năng thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Bà Nguyễn Thị Phương Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Qua trao đổi tôi được biết trong các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Điện Biên đặc biệt quan tâm tới việc thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Bởi vậy, thỏa thuận hợp tác chiến lược về “Chuyển giao công nghệ, phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch” cũng sẽ là đòn bẩy tích cực góp phần đưa du lịch Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ là một trong những đối tác tích cực, uy tín phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, Hiệp hội Du lịch tư vấn kết nối, xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ hỗ trợ.
Trong định hướng phát triển đến năm 2030, Điện Biên xác định tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị với sự tham gia hợp tác của người dân - doanh nghiệp làm nền tảng căn bản để thay đổi, nâng cao mức sống và thu nhập cho nhân dân; phát triển các loại cây đa mục đích (mắc ca, chè, cà phê), các loại cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công nghiệp chế biến dược liệu và nông sản để khai thác có hiệu quả hơn các tiềm năng về đất đai, khí hậu gắn với nâng cao độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tập trung phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử tâm linh, du lịch cảnh quan thiên nhiên tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao. Việc ký kết thành công các biên bản hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch vừa qua với các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần hiện thực hóa mong muốn các dự án đầu tư FDI của những doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế, có tiềm lực.
Để các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm hợp tác, đầu tư thành công, bền vững và lâu dài tại Điện Biên, tỉnh ta sẵn sàng tạo mọi điều kiện, thuận lợi cho các nhà đầu tư; cam kết, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng; coi thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Tin tưởng rằng thời gian tới sự hợp tác, đầu tư của các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao lưu, hợp tác toàn diện, đưa nông sản, sản phẩm văn hóa - du lịch trở thành thương hiệu của Điện Biên và của quốc gia.