ADB lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023

14:14 - Thứ Tư, 06/04/2022 Lượt xem: 3040 In bài viết

Ngày 6-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo công bố tại cuộc họp, ADB bày tỏ lạc quan vào triển vọng phát triển kinh tế nước ta, dựa trên sự khởi đầu tốt đẹp là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu năm 2022 đạt 5,0% - cao hơn so với mức 4,7% cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023. 

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nhận định, tỷ lệ tiêm chủng cao là tiền đề cho phép chính phủ Việt Nam dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt; cùng với sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.

Báo cáo của ADB cũng dự báo, thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% trong năm 2022, đóng góp 3,6% vào tăng trưởng GDP. Cùng với đó, công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng đã lên 53,7 trong tháng 1-2022, cho thấy sự mở rộng và lên 54,3 vào tháng 2-2022 so với mức 52,5 trong tháng 12-2021, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. 

Sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ sự phục hồi của cầu nội địa và giá hàng hóa toàn cầu tăng. Các chính sách tái mở cửa du lịch của chính phủ thực hiện vào tháng 3, dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, với dự báo tăng 5,5%, đóng góp 2,3% vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Giải ngân tăng sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.

Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% -10% trong năm nay. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, và tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023.

Tuy nhiên, ADB cũng chỉ ra rủi ro đối với triển vọng phục hồi của Việt Nam, như số ca nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng kể từ giữa tháng 3; tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại; giá dầu thế giới tăng cao; tình hình lạm phát…

Những nhận định trên được ra trong bối cảnh ADB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực đang phát triển ở châu Á năm 2022 xuống còn 5,2%, trong bối cảnh sức ép giá cả hàng hóa gia tăng đe dọa sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19. Mức dự báo trên thấp hơn 0,1% so với mức dự báo ADB đưa ra hồi tháng 12-2021 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,9% ghi nhận trong năm 2021.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top