Vấn đề tuần này

Phục hồi trong khó khăn

08:02 - Thứ Năm, 07/04/2022 Lượt xem: 2454 In bài viết

ĐBP - Báo cáo kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2022 cho thấy, mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong tháng 2 và 3, có những ngày số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 lên đến con số vài nghìn trường hợp, gây khó khăn, xáo trộn cuộc sống và nhiều vấn đề bất lợi khác. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, thường xuyên, có trọng tâm trọng điểm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự đồng lòng, nỗ lực vượt khó của mỗi người dân và các thành phần kinh tế khác, kinh tế - xã hội vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm đạt 2.664,6 tỷ đồng, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp tăng 6,11%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,94%; dịch vụ tăng 5,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 9,3%.

Điểm nhấn trong tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm, ngoài tập trung chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng tăng năng suất, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; chú trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi phục vụ chế biến, xuất khẩu; trồng mắc ca, cà phê, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi đại gia súc; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Triển khai xây dựng Đề án bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phầm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn... đã giúp đại bộ phận người dân sống bằng nghề nông nghiệp dần ổn định cuộc sống, vững tin hơn vào bàn tay chèo lái của những “công bộc của dân”.

Thay đổi dễ nhận thấy nhất trong quý I/2022 là, tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức khởi công Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên; Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở Thương mại TP. Điện Biên Phủ; chỉ đạo gấp rút hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án đã đăng ký; phối hợp hỗ trợ Tập đoàn SunGroup khảo sát và lập đề xuất quy hoạch đầu tư một số dự án phát triển các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề môi trường đâu tư kinh doanh nhiều năm qua luôn là “rào cản” của không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư khi muốn đến với Điện Biên. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư luôn được tỉnh chú trọng và chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật, nên số lượng dự án được cấp phép đầu tư ngày càng nhiều. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án về thuỷ điện; thương mại dịch vụ; nông - lâm nghiệp, với tổng mức đầu tư trên 790 tỷ đồng. Bên cạnh tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư, tỉnh cũng kiên quyết phân loại và xử lý đối với các dự án đầu tư “giữ chỗ”, dự án chậm tiến độ, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch.

Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, sớm phục hồi các hoạt động trong đại dịch theo hướng “chủ động, linh hoạt, an toàn”, thì việc tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm cần phải chú trọng thường xuyên. Cùng với đó là tập trung giải ngân, quyết toán các dự án hoàn thành; dự án có khối lượng lớn… để “phá băng” vốn đầu tư công. Quan điểm của tỉnh là dự án có khối lượng hoàn thành đến đâu, giải ngân đến đó. Khi dự án, công trình có vốn, yêu cầu nhà thầu làm việc tăng ca, tăng kíp, chạy đua với thời gian, bàn giao theo hợp đồng. Tránh tư tưởng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả.

Xác định nguồn vốn đầu tư công hàng năm chiếm vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giải ngân kịp thời vốn đầu tư công là tháo được “nút thắt” lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế. Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là 2.079.626 triệu đồng; đã phân bổ chi tiết 1.979.626 triệu đồng, bằng 95,19%. Tuy vậy, hiện tại vẫn có 25 dự án chậm tiến độ. Điều này vô hình trung “kìm hãm” tốc độ phát triển của tỉnh; dẫn đến tình trạng có tiền mà không tiêu được. Công trình, dự án kéo dài, gây lãng phí tiền của, gây bức xúc, giảm lòng tin trong nhân dân.

Giải quyết tình trạng này, chúng ta cần rà soát, đánh giá lại tổng thể tiến độ các dự án, phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, khách quan chậm tiến độ. Các sở, ngành, cơ quan tham mưu, giúp việc cho tỉnh cần đồng hành với nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh để doanh nghiệp cắp cặp đi hỏi hết nơi này đến nơi khác. Một mặt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giám sát chặt chẽ, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là các dự án trồng mắc ca, hạ tầng đô thị, dịch vụ, thuỷ điện... Đặc biệt là 25 dự án chậm tiến độ. Kiên quyết dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top