“Kho báu xanh” ở Sín Chải

07:01 - Thứ Bảy, 09/04/2022 Lượt xem: 4378 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến Sín Chải vào một buổi sáng sương mù ướt mặt. Từ trung tâm xã đi thêm 8km nữa mới đến thôn Hấu Chua - đất chè cổ thụ của xã. Hết đoạn đường bê tông, anh Giàng A Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải lại chỉ tay về phía bên kia đỉnh núi, nơi chỉ thấy toàn sương mù trắng xóa bảo: “Bên kia mới là rừng chè cổ thụ”. Men theo đường mòn, anh Tỉnh về số, vít ga chiếc xe máy tiếp tục ngược dốc lên đỉnh núi. Sương mù dày đặc, rơi ướt đường. Đến nơi, anh Tỉnh điều khiến xe máy chạy thẳng đến nhà ông Hạng A Chư.

Một góc rừng chè cổ thụ Hấu Chua, xã Sín Chải.

Dù đã hẹn trước thế nhưng ông Chư vẫn vắng nhà. Anh Tỉnh quay sang bảo với tôi: “Chú ngồi đây đợi, anh đi gọi ông Chư về”. Khoảng thời gian chờ đợi, tôi có cơ hội “mục sở thị” những cây chè cổ thụ trăm tuổi ở Hấu Chua. Ở đây, nhìn xung quanh đâu cũng thấy cây chè. Cây chè mọc cao hơn cả mái nhà, đường kính thân từ 80 - 100cm. Trên những thân cây xù xì, mốc meo, lớp vỏ khô khẽ nứt ra nảy chồi mới non xanh. Rừng chè như “ôm trọn” cả thôn Hấu Chua. Đang mải ngắm rừng chè ngút tầm mắt thì anh Tỉnh cùng ông Chư về tới nhà. Quần ống thấp, ống cao, áo ướt đẫm sương sớm, ông Chư giải thích: “Đang mùa thu hoạch chè. Để chè tươi ngon và đậm đà nhất thì phải hái từ sáng sớm khi búp chè còn đọng hơi sương. Thế nên từ sớm tôi đã đi phụ giúp các cháu hái chè. Thật ngại khi để các anh phải đợi”.

Bên ấm chè nóng tỏa hương thơm ngát, ông Chư kể: Rừng chè cổ thụ Hấu Chua không rõ có từ thời gian nào, chỉ biết rằng đã nhiều thế hệ người dân trong thôn gắn bó với cây chè. Đến đầu những năm 2005, dân số trong thôn ngày càng tăng, quỹ đất sản xuất ngày càng hạn hẹp, nhiều hộ đã có ý định chặt bỏ cây chè để canh tác cây ngô, lúa nương. Tôi tiếc quá nên đã mua lại một số cây chè, đồng thời vận động bà con không nên chặt bỏ những cây chè cổ thụ. Do đó rừng chè cổ thụ ở Hấu Chua mới được như ngày nay. Từ bao đời nay, cây chè vẫn luôn sinh trưởng, phát triển lặng lẽ bên con người. Chè mọc thành rừng bảo vệ nương ngô, nương lúa và cản gió cho những mái nhà của người dân trong thôn. Những năm gần đây, cây chè cổ thụ còn mạng lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Trước đây, người dân Hấu Chua đơn thuần sử dụng chè làm nước uống hàng ngày. Đến năm 2008, một số hộ mới bắt đầu manh nha sao chè thủ công để bán, tạo thu nhập. Nhận thấy giá trị của cây chè cổ thụ, những năm sau đó, huyện Tủa Chùa đẩy mạnh công tác mời gọi, thu hút các doanh nghiệp vào thu mua, chế biến, đưa chè cổ thụ thành sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật hái, chế biến và chuyển giao công nghệ cho người dân. Kể từ đó, cây chè tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Sín Chải Giàng A Tỉnh cho biết: Chè cổ thụ ở Sín Chải chủ yếu tập trung ở 2 thôn: Sín Chải và Hấu Chua. Hiện nay, toàn xã có trên 4.000 cây, sản lượng bình quân từ 5 - 7 tấn búp chè tươi/năm. Từ năm 2008 đến nay, với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện và sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, sản phẩm chè cổ thụ Sín Chải đã trở thành hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè thành phẩm. Ngoài ra, tại các thôn, một số hộ dân vẫn tổ chức thu mua, chế biến chè. Điển hình như ông Hạng A Chư. Mỗi năm gia đình ông thu mua khoảng 1 - 2 tấn chè tươi, chế biến được khoảng 2 - 3 tạ chè khô, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nguồn thu từ cây chè đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, có kinh tế khá giả.

Người dân thôn Hấu Chua thu hoạch chè cổ.

Trải qua bao mưa nắng dãi dầu, sức sống mãnh liệt đã tạo nên giá trị đặc biệt của cây chè cổ thụ.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Cây chè cổ thụ sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên. Do đó, vùng chè cổ thụ Sín Chải là vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ là hướng đi ngành Nông nghiệp đang hướng tới. Do đó, khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, chất lượng sản phẩm càng cao thì giá trị cây chè ngày càng lớn. Từ đó người dân càng có cơ hội tăng thu nhập từ cây chè. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế từ cây chè cổ thụ, hiện nay, huyện Tủa Chùa đã và đang áp dụng chính sách hỗ trợ người dân phát triển vùng chè, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chế biến chè tại huyện. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường quảng bá, giới thiệu về các dòng sản phẩm chè Tủa Chùa trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ khai thác giá trị của cây chè cổ thụ Sín Chải qua việc sản xuất, chế biến và bán sản phẩm chè, huyện Tủa Chùa đang hướng đến việc khai thác tiềm năng du lịch từ vùng chè cổ thụ. Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại các thôn: Sín Chải, Hấu Chua (xã Sín Chải) là Cây di sản Việt Nam. Đây là điều kiện lý tưởng để xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá. Thực tế, những năm qua rừng chè cổ thụ ở Sín Chải đã thu hút được nhiều đoàn khách tham quan, nghiên cứu, dựng phim và trải nghiệm các hoạt động trong quy trình từ thu hoạch đến chế biến chè thành phẩm. Năm 2018 - 2019, rừng chè cổ thụ còn đón những vị khách từ Lào và Trung Quốc đến tham quan, khảo sát và thu mua chè. Với việc cây chè cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam, tin tưởng rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều người biết và đến tìm hiểu, khám phá về vùng chè cổ thụ Sín Chải. Giai đoạn 2021 - 2025, xã Sín Chải cũng đề ra mục tiêu phát triển du dịch, trọng tâm là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm khám phá. UBND xã đang tích cực phối hợp với UBND huyện và các sở, ngành liên quan của tỉnh để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá về du lịch của Sín Chải. Hiện nay, gõ từ khóa “chè cổ thụ Sín Chải” trên mạng internet sẽ hiện ra rất nhiều bài đánh giá, những thước phim giới thiệu về cây chè cổ thụ Sín Chải. Hi vọng rằng, thời gian tới Sín Chải sẽ là điểm đến, điểm dừng chân cho du khách để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Mông trên địa bàn.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top