Phát triển bền vững kinh tế rừng

07:54 - Thứ Tư, 13/04/2022 Lượt xem: 4922 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 409.856,86 ha; chiếm gần 73% diện tích đất tự nhiên với tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 42,66%. Đây được xem là tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch sinh thái và kinh tế rừng gắn với các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Để phát huy lợi thế này, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ phát triển kinh tế rừng.

Mô hình cây sa nhân hiện nay mang lại nguồn thu cho các chủ rừng. Trong ảnh: Mô hình trồng cây sa nhân tím của các hộ dân bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên phát triển tốt.

Nhân rộng mô hình sinh kế từ rừng

Với tỷ lệ che phủ rừng trên 50%, nhiều năm qua xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) đã định hướng phát triển kinh tế rừng, chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển vốn rừng. Một trong những giải pháp hiệu quả là trồng cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng và trồng cây sơn tra trên những diện tích đất trống đồi trọc. Nhờ trồng cây thảo quả dưới tán rừng mà gia đình ông Mùa Dúa Vàng, anh Mùa A Hạ và nhiều hộ dân khác ở bản Ten Hon có thu nhập ổn định, hộ thu nhập ít thì 10 triệu đồng/năm; hộ có diện tích lớn mỗi năm thu cả trăm triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thảo quả, đến nay các hộ trong xã toàn đã trồng hơn 100ha cây thảo quả, gần 60ha cây sơn tra và nhiều loại cây dược liệu khác.

Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: Những năm qua, việc trồng cây thảo quả, dược liệu, sơn tra dưới tán rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước giúp người dân xã Tênh Phông thoát nghèo. Dự kiến, đến năm 2025, xã Tênh Phông phát triển khoảng 200ha các loại cây dược liệu (bao gồm: 20ha sâm Lai Châu, 20ha sâm Ngọc Linh, 20ha lan kim tuyến, 20ha bảy lá một hoa, 70ha tam thất Bắc, 50ha sa nhân tím).

Nếu như người dân xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) tăng thu nhập từ trồng thảo quả dưới tán rừng thì thành viên Câu lạc bộ (CLB) Quản lý, bảo vệ rừng khu vực Hạ Thanh (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) lại chọn cách phủ xanh đất trống, đồi trọc thành rừng và đã mang lại nguồn thu đáng kể. Từ việc nhận giao khoán hơn 42ha đất đồi (trong đó có 40ha khoanh nuôi bảo vệ và 12,7ha rừng trồng mới) từ năm 1995 đến nay. Sau gần 30 năm, nơi đây đã thành rừng cây bạt ngàn, là “lá phổi xanh” mang lại môi trường sống trong lành, mát mẻ. Hưởng lợi từ rừng, CLB đã 2 lần khai thác, xuất bán gỗ, với số tiền bán gỗ được CLB nhập quỹ để tạo nguồn vốn cho các thành viên vay lãi suất thấp phát triển kinh tế. Từ nguồn quỹ CLB đến nay đã có trên 30 thành viên được vay vốn với tổng số tiền 108 triệu đồng. Mức vay tối đa 10 triệu đồng/hộ. Hầu hết hội viên vay để mua giống, thức ăn chăn nuôi, lúc ốm đau hay làm nhà. Nhờ vậy, nhiều hộ có điều kiện vươn lên, xây dựng cuộc sống no ấm, đủ đầy. Bên cạnh nguồn thu từ bán gỗ, vừa qua 40ha rừng khoanh nuôi của CLB đã được cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa vào khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Lường Văn Ọm, thành viên CLB chia sẻ: “Nếu như được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thì đây tiếp tục là động lực khuyến khích người dân chúng tôi tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng”.

Để khai thác rừng bền vững, hiệu quả

Trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện trồng mới 3.775ha rừng tập trung; trong đó, rừng sản xuất là 2.461ha, rừng phòng hộ 1.304ha, rừng đặc dụng 10ha. Nhận thấy lợi ích từ phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong những năm gần đây, một số địa phương như Tuần Giáo, Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé… đã quan tâm, khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng với các loại cây đặc trưng như sa nhân, thảo quả... Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 500ha cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, một số mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả về kinh tế như mô hình trồng cây thảo quả tại xã Tênh Phông hàng năm cho thu nhập bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm. Từ đó, không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Để ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 để định hướng các mục tiêu và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện phát triển lâm nghiệp bền vững trong giai đoạn. Trong đó, tập trung chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trồng cây mắc ca, cây lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng sản xuất và đầu tư khai thác dịch vụ du lịch sinh thái. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thành lập các hợp tác xã mắc ca để giúp doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức sản xuất tinh, chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu được chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh, hiểu được lợi ích khi thực hiện các dự án trồng cây mắc ca, cây lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng sản xuất và đầu tư khai thác dịch vụ du lịch sinh thái…

Cùng với đó là huy động các nguồn lực thực hiện hoàn thành công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện liên doanh, liên kết phát triển kinh tế lâm nghiệp và để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, các cấp, ngành chức năng cần có cơ chế khuyến khích người dân và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top