Hiệu quả ứng dụng khoa học trong sản xuất

05:48 - Thứ Tư, 20/04/2022 Lượt xem: 4710 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh việc ứng dụng, triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ đã đóng góp tích cực trong việc chuyển giao kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho người nông dân.

Cán bộ Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trên hoa cúc, hoa đồng tiền. Ảnh: C.T.V

Hoa cúc và đồng tiền là những loài hoa phổ biến quen thuộc, song hiện nay người trồng vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn giống. Để chủ động nguồn giống, năm 2021 Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã nghiên cứu làm chủ quy trình kỹ thuật để đưa vào sản xuất thành công giống hoa cúc, hoa đồng tiền bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật với nhiều ưu điểm nổi trội. Sau một thời gian nghiên cứu, đưa vào sản xuất, đến nay cây mô đã được trồng ra vườn và tỷ lệ sống trên 90%, cây phát triển tốt.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ: Nuôi cấy mô tế bào thực vật là phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến giúp sản xuất nhanh và đồng loạt các loại giống cây trồng mà vẫn lưu giữ được đặc tính của cây gốc, khắc phục nhược điểm của các phương pháp nhân giống vô tính khác như: Chiết ghép. Tùy theo chủng loại mô mà có cách lấy mẫu khác nhau, có thể lấy từ chồi, từ hoa. Tiếp theo mẫu được nuôi từ 2 - 3 tuần. Khi cây đã ra rễ hoàn chỉnh sẽ được cho ra làm quen với môi trường bên ngoài. Ưu việt của phương pháp này tạo ra được các loại cây giống sạch bệnh và đồng đều. Đặc biệt hệ số nhân giống cao, với một mẫu mô có thể tạo ra hàng triệu cây giống trong một năm. Ngoài cúc và đồng tiền, hiện nay Trung tâm còn nghiên cứu và thực hành trên một số loài hoa lan và một số loại cây ăn quả, cây lấy thân (chuối, mía) và các loại nấm đông trùng hạ thảo, linh chi, cây dược liệu. Đây hứa hẹn sẽ là bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giúp nông dân trên địa bàn chủ động được giống.

Dự án “Phát triển chuỗi giá trị cho lúa đặc sản nếp tan tỉnh Điện Biên” được thực hiện tại 2 xã Na Son và Luân Giói (huyện Điện Biên Đông); thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2021. Dự án có sự liên kết của “4 nhà” (nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân và nhà kinh doanh). Dự án đã mang lại một số kết quả nổi bật như: Sản xuất được nguồn lúa giống tốt, xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, khai thác tốt nhãn hiệu hàng hóa tập thể, bước đầu hình thành nên chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Dự án đã xây dựng được 4ha và sản lượng đạt trên 13,3 tấn lúa giống nếp tan. Đây là nguồn giống tốt dùng cho sản xuất đại trà. Từ đó xây dựng thành công 40ha mô hình sản xuất lúa nếp tan chất lượng cao có liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Na Son và xã Luân Giói. Tổng sản lượng đạt trên 174,8 tấn, năng suất tăng 38,7%, hiệu quả kinh tế tăng 43,6% so với sản xuất đại trà. Bước đầu đã tạo được mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong bao tiêu sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 230 lượt hộ dân thông qua tập huấn, 287 lượt hộ dân thông qua mô hình liên kết.

Trong năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 37 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong đó nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 45,8%, với nhiều mô hình như: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất hoa lan hồ điệp và một số loại hoa có giá trị kinh tế cao”; “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi ba ba gai (Palea steindachneri) thương phẩm”; “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sinh sản và trồng, chế biến cây thức ăn chăn nuôi nhằm phát triển bền vững đàn trâu hàng hóa theo chuỗi giá trị”… Các nhiệm vụ triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực. Thời gian tới, Sở tiếp tục chú trọng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của địa phương.

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top