Chậm tiến độ giao đất, giao rừng ở Mường Nhé

05:47 - Thứ Tư, 04/05/2022 Lượt xem: 4869 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Nhé được chọn làm điểm cấp huyện về triển khai thực hiện Kế hoạch 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh về giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) giai đoạn 2019 - 2023. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, kết quả giao đất, giao rừng, nhất là đối với diện tích chưa có rừng còn chậm so với yêu cầu kế hoạch của huyện và tiến độ chung của tỉnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ trên bản đồ tại xã Sín Thầu.

Theo kế hoạch đề ra, đến hết năm 2023, huyện Mường Nhé phải hoàn thành giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp (đối với đất lâm nghiệp có rừng) gần 12.400ha. Đến nay, tổng diện tích đã giao gần 9.300ha (đạt 74,98%) cho 252 chủ rừng là cộng đồng và cá nhân, hộ gia đình. Diện tích còn lại chưa giao do hầu hết nằm trong khu vực tranh chấp giữa xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) với xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu); giữa xã Nậm Kè (Mường Nhé) với xã Na Cô Sa (Nậm Pồ)... Đối với diện tích này, UBND huyện đã giao trách nhiệm quản lý rừng cho UBND các xã để quản lý, bảo vệ, với tổng diện tích gần 5.000ha.

Theo rà soát, tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng có thể giao là hơn 29.670ha. Tuy nhiên đến nay toàn huyện mới chỉ rà soát, lập phương án giao hơn 8.027ha, đạt 27,06%; trong đó số đã lập phương án giao được hơn 3.849ha trên địa bàn các xã Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải  cho 16 cộng đồng và 490 hộ gia đình, đạt gần 13% tổng diện tích cần thực hiện. Các xã còn lại chưa triển khai. Diện tích đã rà soát nhưng được khoanh vùng phục vụ dự án mắc ca, vành đai biên giới, Đề án 79 gần 4.000ha. Phần diện tích còn lại người dân chưa đồng thuận rà soát kê khai, nhận đất và những diện tích nhỏ lẻ xen lẫn đất khe suối.

Tại xã Sen Thượng, UBND xã đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc, với tổng diện tích thực hiện giao hơn 1.634ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Trên địa bàn xã diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, chưa đo đạc quy chủ còn 1.102ha; trong đó diện tích đã trồng cây mắc ca 402ha, còn lại là diện tích chưa đo đạc, quy chủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số diện tích đất có rừng, ngoài quy hoạch 3 loại rừng gần 110ha chưa được giao do chưa phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, một số diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong triển khai đo thực địa. Việc xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn do người dân chủ yếu luân canh.

Ngoài các xã: Sen Thượng, Sín Thầu, Leng Su Sìn và Chung Chải thì những xã còn lại chưa triển khai, hoàn thành việc rà soát, thành lập mảnh trích đo. Do đó, hiện nay đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn toàn huyện vẫn chưa được giao, mới chỉ dừng lại ở bước rà soát, đo đạc tại một số xã.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, nguyên nhân tiến độ thực hiện chậm do một số khó khăn, vướng mắc như: Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng còn bất cập, chồng chéo với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, quy hoạch điểm bản thuộc Đề án 79...); một số diện tích có rừng thì nằm ngoài quy hoạch rừng, trong khi một số diện tích đất canh tác hộ dân, quy hoạch đất ở, đất sản xuất lại nằm trong quy hoạch rừng. Qua rà soát, huyện đề nghị đưa vào quy hoạch 3 loại rừng hơn 1.556ha rừng ngoài quy hoạch, tuy nhiên đến nay chưa được phê duyệt. Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, phần lớn là đất đang canh tác nương, đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Do vậy, người dân không đồng ý đưa vào để phát triển rừng vì không còn đất canh tác, sản xuất.

Bên cạnh đó, chủ trương trồng mắc ca trên địa bàn đã được phê duyệt, tuy nhiên đến nay chưa được phê duyệt thiết kế cụ thể vùng dự án triển khai thực hiện nên chưa xác định rõ phạm vi, quy mô vùng trồng mắc ca. Trong khi đó, khu vực đã trồng cây mắc ca, chi trả tiền cho người dân nhưng công ty vẫn chưa cung cấp hồ sơ, số liệu quy chủ cụ thể cho huyện để thực hiện cấp GCNQSDĐ. Theo nhu cầu của công ty mắc ca đăng ký đưa vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 là hơn 23.204ha, cơ bản với toàn bộ diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp. Như vậy nếu để lại vùng quy hoạch để thực hiện dự án trồng mắc ca thì diện tích thực hiện giao đất, giao rừng không còn.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top