Tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng

05:53 - Thứ Tư, 11/05/2022 Lượt xem: 3543 In bài viết

ĐBP - Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, tỉnh Điện Biên đạt 61,86 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố cả nước, giảm 7 bậc so với năm 2020. Trong 10 chỉ số thành phần có 4 chỉ số tăng điểm và 6 chỉ số bị giảm điểm.

Các dự án phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc về công tác đo đạc, quy chủ đất đai. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Mắc ca Điện Biên chăm sóc vườn cây mắc ca tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên). Ảnh: Phạm Trung

“Điểm sáng” trong các chỉ số tăng điểm là sau 2 năm liên tiếp (2019, 2020) giảm sâu, chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” năm 2021 tăng điểm khá cao: Đạt 6,59 điểm, tăng 0,57 so với năm 2020. Đây là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó việc tăng điểm chỉ số này có nghĩa việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, chính sách hỗ trợ đã tốt hơn.

Trong số 6 chỉ số giảm điểm thì chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” giảm sâu nhất: đạt 6,09 điểm, giảm 1,72 so với năm 2020; xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố. Điều đáng nói là chỉ số này đạt điểm cao nhất trong 10 chỉ số thành phần của Điện Biên năm 2020 (7,81 điểm, xếp thứ 6 toàn quốc). Như vậy sau 2 năm liên tiếp tăng điểm thì năm 2021 chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” đã giảm điểm và tụt hạng sâu so với các địa phương khác.

“Cạnh tranh bình đẳng” là chỉ số thành phần phản ánh sự bình đẳng trong các mối quan hệ giữa các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể.

Tính đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 1.220 doanh nghiệp đang hoạt động và 500 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Điện Biên.

Có thể nói, thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Theo kết quả khảo sát năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, có 74% doanh nghiệp được hỏi đồng ý với với nội dung thuộc chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” là: “Sự quan tâm của chính quyền tỉnh không phụ thuộc vào đóng góp của doanh nghiệp cho địa phương như số lao động sử dụng, số thuế phải nộp hoặc tài trợ, hỗ trợ khác”. Điều đó cho thấy, chính quyền tỉnh đã có sự quan tâm khá đồng đều, không có sự thiên vị giữa các thành phần kinh tế. Đây là điều các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất kỳ vọng. Khi có sự quan tâm công bằng thì các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách bình đẳng.

Cạnh tranh là yếu tố đảm bảo tính năng động và hiệu quả của kinh tế thị trường. Mà tự do cạnh tranh là nguyên tắc quan trọng nhất, phải được bảo đảm trong môi trường thực sự bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Nếu không có môi trường cạnh tranh bình đẳng thì khu vực kinh tế tư nhân sẽ khó phát triển. Trong khi đó, doanh nghiệp tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; vẫn còn các rào cản về đất đai, thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi công vụ...

Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, về chủ quan thì bản thân các chủ thể phải nỗ lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Song cũng rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía chính quyền Nhà nước. Trong đó quan trọng nhất là tạo lập môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng.

Trong những nội dung liên quan đến cạnh tranh bình đẳng, thì tiếp cận các nguồn lực luôn là nhu cầu gắt gao của doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua một số vấn đề “nóng” như: Tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính… đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, góp phần giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập, chủ yếu ở cấp sở, ngành, cấp huyện Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chưa có sự tiếp cận công bằng. Theo kết quả PCI năm 2021 của tỉnh Điện Biên, trong 11 nội dung cấu thành chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”, qua khảo sát ý kiến các doanh nghiệp thì vẫn có 58% đồng ý với nội dung: “Tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa” và có 55% ý kiến doanh nghiệp cho rằng “Hợp đồng, đất đai… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền”.

“Cạnh tranh bình đẳng” là 1 trong 10 chỉ số thành phần của PCI. Việc giảm điểm là điều đáng buồn nhưng quan trọng hơn là sự thay đổi tư duy đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt là khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, tỉnh thì quyết liệt, các cấp thực hiện thì trùng trình. Khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và bình đẳng. Ví dụ như: Đẩy mạnh công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất của các huyện, thị xã, thành phố để các doanh nghiệp thuận tiện khai thác, nghiên cứu; thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi hạch sách, nhũng nhiễu; tăng cường tính công khai, minh bạch hoạt động đấu thầu tại các sở, ngành, quận, huyện; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong đấu thầu theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, minh bạch; đẩy mạnh xây dựng chương trình chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số…

Hà Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top