Cần đảm bảo sinh kế người dân vùng mắc ca

10:47 - Thứ Bảy, 14/05/2022 Lượt xem: 3940 In bài viết

ĐBP - Theo đánh giá chung, tiến độ của các dự án mắc ca trên địa bàn tỉnh hiện đều chậm so với cam kết của các nhà đầu tư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển diện tích mắc ca của tỉnh mà còn tác động trực tiếp đến sinh kế của các hộ dân tham gia liên kết trồng mắc ca.

Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Mắc ca Tây Bắc chăm sóc mắc ca trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Thời gian qua, cây mắc ca đã mang đến cho nông dân tỉnh ta sự kỳ vọng rất lớn. Minh chứng cho điều đó là số dự án, diện tích trồng mắc ca nhanh chóng được mở rộng ở nhiều địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố (trừ huyện Mường Chà và TX. Mường Lay) có dự án trồng mắc ca, với tổng số 9 dự án của các doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư. Quy mô các dự án dự kiến gần 53 nghìn héc ta, tổng mức đầu tư 9.270 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án trồng mắc ca, các địa phương đã tích cực chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan trong vùng dự án phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp vận động người dân tham gia; thực hiện công tác đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện liên kết trồng cây mắc ca.

Tuy nhiên, thời gian qua các dự án mắc ca đều gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến thủ tục đất đai. Vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án (đặc biệt tiến độ trồng mắc ca) và sinh kế, việc làm cho người dân vùng dự án bị ảnh hưởng theo. Cụ thể, theo quy định sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ dự án phải lập, hoàn thiện dự án, lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành chuyên môn và địa phương liên quan, tổ chức phê duyệt dự án để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay các dự án đều chưa được nhà đầu tư thực hiện. Do đó, đến hết quý I/2022, các doanh nghiệp mới tổ chức trồng được 3.611ha/13.381ha cây mắc ca, đạt 27% so với tiến độ cam kết của nhà đầu tư và đạt 7% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt. Trong đó, huyện Tuần Giáo trồng 1.600/2.000ha so với quy mô phê duyệt của dự án; tại huyện Mường Ảng và Tủa Chùa với quy mô thực hiện 8.000ha nhưng mới thực hiện được 310ha trên địa bàn huyện Mường Ảng, đạt 3,9% so với quy mô phê duyệt dự án; trong khi đó tại huyện Mường Nhé quy mô phê duyệt dự án 20.000ha, nhưng mới thực hiện trồng được 600ha…

Theo thống kê, tổng diện tích đo đạc, quy chủ đất đai của 9 dự án trên mới đạt 8.819ha; trong đó, tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ đạt hơn 2.410ha; huyện Tuần Giáo đạt 1.600ha; dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ đạt 1.050ha; dự án trồng mắc ca kết hợp trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên đạt 2.891ha… Việc đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân liên kết với doanh nghiệp trồng mắc ca là căn cứ, quy định để người dân được hưởng lợi, tạo việc làm. Tuy nhiên, việc chậm triển khai thực hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân liên kết, góp đất, người dân vùng dự án trồng mắc ca. Bởi đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của người dân, khi thực hiện liên kết, góp đất với nhà đầu tư trồng mắc ca, người dân không còn đất sản xuất, trong khi các dự án trồng mắc ca chưa được thực hiện, lao động địa phương không được tuyển dụng dẫn đến không có việc làm. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca tỉnh, đến nay tổng số lao động thường xuyên tại các dự án mắc ca chỉ có 267 lao động và gần 400 lao động thời vụ. Trong khi đó, số hộ dân liên kết, góp đất thực hiện dự án trồng mắc ca lớn hơn gấp nhiều lần.

Điển hình, Dự án trồng Mắc ca trên địa bàn huyện Mường Nhé do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Mắc ca Tây Bắc thực hiện, đến nay đã đo đạc, quy chủ và giải phóng mặt bằng với tổng diện tích hơn 2.084ha tại xã Sín Thầu và Sen Thượng. Trong đó, đất rừng phòng hộ hơn 655ha; đất rừng sản xuất hơn 808ha và đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 620ha. Tuy nhiên, tổng diện tích thực trồng mới đạt khoảng 600ha. Để đảm bảo đời sống người dân, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đã hỗ trợ, tạm ứng cho người dân khai hoang gần 8 tỷ đồng (mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha), với diện tích hơn 451ha. Được biết, phần lớn lao động làm việc là lao động thời vụ; còn số lao động làm việc theo năm chủ yếu bộ khung chủ chốt của Công ty. Trong khi, mỗi năm đơn vị sử dụng từ 7 - 8 đợt, mỗi đợt sử dụng từ 100 - 120 lao động. Trong đó, chỉ có khoảng 40% số lao động tại vùng Dự án, còn lại lao động tại các địa phương khác. Qua tìm hiểu một số hộ dân tham gia Dự án Trồng mắc ca trên địa bàn huyện Mường Nhé, sau khi tham gia liên kết, góp đất, họ không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm thường xuyên; trong khi đó, Dự án Trồng mắc ca chậm triển khai thực hiện nên lao động địa phương không có việc làm. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho rằng, nếu không sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, tạo việc làm cho người dân vùng Dự án thì nguy cơ phá rừng làm nương của người dân hiện hữu trong thời gian tới.

Tương tự, Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên do Công ty Cổ phần Mắc ca Liên Việt Điện Biên thực hiện, với quy mô 6.833ha; trong đó, diện tích nhà đầu tư thuê đất để thực hiện 5.071ha và diện tích người dân hợp tác, liên kết 1.762ha. Hiện nay, đã đo đạc, quy chủ 1.050ha, đạt 15% so với tổng diện tích phải đo đạc của Dự án. Tổng diện tích đã trồng được 78ha, trong đó, diện tích liên kết với người dân 5ha của 20 hộ dân. Ông Lò Văn Phong, bản Na Hươm, xã Na Tông (huyện Điện Biên) chia sẻ, khi được cơ quan chức năng, doanh nghiệp tuyên truyền về cơ chế, chính sách phát triển cây mắc ca, đặc biệt những lợi ích của việc thông qua mô hình hợp tác xã, bản thân ông mong muốn dự án sớm triển khai thực hiện trên địa bàn. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện cần tạo việc làm cho người dân tham gia Dự án; tránh tình trạng người dân góp đất liên kết nhưng Dự án chậm triển khai, dẫn đến không có đất sản xuất, việc làm cho người dân.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mắc ca trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo việc làm cho người dân vùng dự án, đảm bảo tiến độ theo chủ trương đầu tư được duyệt, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, thành viên thực hiện đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ đã được giao. Thường xuyên tổ chức kiếm tra, nắm bắt tình hình, tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án chậm tiến độ theo cam kết để tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giảm quy mô hoặc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư khác. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo quyền lợi cho người dân liên kết tham gia trồng mắc ca; tạo việc làm thường xuyên cho người lao động vùng dự án và các địa phương khác, góp phần giảm tình trạng thất nghiệp, phá rừng làm nương. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương có dự án trồng mắc ca, nghiên cứu các mô hình phát triển sinh kế phù hợp với từng địa phương, tạo việc làm cho người dân.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top