Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

05:37 - Thứ Hai, 16/05/2022 Lượt xem: 3165 In bài viết

ĐBP - Tính đến hết quý I/2022, Điện Biên đã thực hiện giải ngân thanh toán đạt 35% so với kế hoạch vốn Chính phủ giao (tăng 244% so với năm 2021). Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ phía các ngành, các cấp và chủ đầu tư. Nhiều giải pháp đã và đang được đẩy mạnh triển khai nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ của tỉnh trong năm nay.

Dự án Đường 60m TP. Điện Biên Phủ được triển khai từ năm 2016 vừa hoàn thành vào tháng 12/2021.

Năm 2022, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước được Chính phủ giao cho tỉnh quản lý là hơn 2.079 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 1.979 tỷ đồng (bằng 95% số vốn giao). Tính đến hết quý I/2022, toàn tỉnh giải ngân được 729 tỷ đồng (đạt 35% kế hoạch vốn giao, tăng 244% so với cùng kỳ năm 2021).

Xác định việc giải ngân kế hoạch đầu tư công là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội (KT - XH), góp phần phục hồi kinh tế trên địa bàn sau dịch bệnh Covid-19, công tác giao kế hoạch vốn đã được tỉnh triển khai đồng bộ ngay từ những ngày đầu năm 2022. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sát sao và thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ và giải ngân thanh toán. Điều này giúp các đơn vị, địa phương chủ động lập kế hoạch triển khai thực hiện. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành các kế hoạch, chỉ thị để chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm. Ngoài ra, nỗ lực hoàn thiện thủ tục về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 và tổng hợp nhu cầu và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên; hoàn thiện chủ trương đầu tư các dự án theo kế hoạch di chuyển trung tâm chính trị, hành chính tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 7, khóa XV.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở đã xây dựng tiến độ giải ngân chi tiết theo từng quý, cam kết giải ngân nguồn vốn của từng chương trình, dự án và của các đơn vị chủ đầu tư. Phấn đấu đến hết tháng 9/2022 thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn các dự án hoàn thành và chuyển tiếp, 75% kế hoạch vốn các dự án khởi công mới, 70% kế hoạch vốn các dự án khởi công mới sử dụng vốn ODA. Đồng thời, chủ động báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện thủ tục để giao kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các chương trình, dự án còn lại. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh gặp một số khó khăn, do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn, tác động tiêu cực đến KT - XH, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu. Cùng với đó là kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của nhiều chương trình, dự án đến nay vẫn chưa được phân bổ. Ngoài ra, hầu hết dự án đều bị ảnh hưởng bởi giá vật liệu tăng cao so với thời điểm phê duyệt dự toán, đặc biệt là sắt thép và vật liệu xây dựng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn giao đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao là mục tiêu các địa phương cũng như chủ đầu tư đều phấn đấu thực hiện. Để đạt được kết quả này thì những khó khăn, vướng mắc cần phải được quan tâm, giải quyết kịp thời. Về phía các chủ đầu tư cũng cần thực hiện việc phân công, phân nhiệm rõ ràng và xây dựng kế hoạch chi tiết đối với công tác thực hiện, giải ngân của từng dự án; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc thực hiện theo kế hoạch đề ra. Các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý các dự án chủ động thực hiện hoàn thiện ngay đối với các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán. Đối với các dự án chuyển tiếp, tích cực triển khai thi công, khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục thanh toán. Còn dự án có kế hoạch vốn khởi công mới, khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện bản vẽ thi công dự toán, hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công dự án trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, bám sát công trình, dự án, kịp thời giải quyết những vướng mắc... Từ đó, góp phần quan trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giúp phục hồi, phát triển KT - XH, tạo động lực thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top