Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cao su

Lời hứa xuyên thập kỷ, dân nghèo lao đao (Bài 1)

07:01 - Thứ Bảy, 17/09/2022 Lượt xem: 4414 In bài viết

ĐBP - Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh sau 13 năm triển khai đến nay chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhiều hộ gia đình, cá nhân tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (sau đây gọi là góp đất) chưa được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định; chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và vẫn chưa được nhận tiền chia sản lượng mủ cao su…

Diện tích đất góp đã trồng cao su của gia đình bà Lường Thị Dín, bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, từ năm 2009 đến nay chưa được cấp GCNQSDĐ.

Dân đồng lòng góp đất

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển cây cao su; từ năm 2008, cây cao su được trồng trên địa bàn tỉnh với diện tích 679,27ha. Theo quy hoạch ban đầu tại Quyết định số 1305/QĐ-UBND, ngày 30/7/2009 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020, tổng diện tích được quy hoạch trồng cao su là 72.900ha trên địa bàn 35 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch đã phát sinh những vướng mắc cần được điều chỉnh kịp thời. Đến năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1049/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Theo đó, phạm vi quy hoạch tại 7 huyện (Điện Biên, Mường Ảng, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ) và thành phố Điện Biên Phủ. Với quy mô diện tích 20.000ha (6.000ha giai đoạn 2008 - 2015; 14.000ha giai đoạn 2016-2020) và dự kiến xây dựng 4 nhà máy chế biến mủ cao su.

Giai đoạn đầu triển khai gặp không ít khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp đất, ủng hộ việc trồng cây cao su. Tuy nhiên, với sự vào cuộc rốt ráo, bằng nhiều giải pháp của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân đã đồng tình hưởng ứng góp đất trồng cao su. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.740,14ha cao su thuộc địa bàn 4 huyện (Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng) và thành phố Điện Biên Phủ. Trong đó, diện tích đất góp của người dân 4.535,59ha; đất do UBND xã quản lý 134,6ha; của tập thể, cộng đồng 58,19ha.

Với hình thức liên kết, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư trồng cao su trên diện tích của người dân và các tổ chức góp đất. Người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện phát triển cây cao su, được hưởng 10% giá trị sản phẩm mủ cao su khai thác. Ngoài ra, người dân góp đất trồng cao su còn được hưởng các chính sách như: Hỗ trợ kinh phí với mức 4,5 triệu đồng/ha; hỗ trợ kinh phí đối với các xã, bản thực hiện Chương trình phát triển cây cao su của tỉnh...

Lời hứa 13 năm…

Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh có mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng di cư tự do và nâng cao độ che phủ rừng. Nhưng từ khi triển khai đến nay, sau 13 năm nhiều hộ dân góp đất trồng cao su vẫn chưa được nhận tiền chia sản phẩm mủ cao su, vì nhiều nguyên nhân.

Phóng viên trao đổi với người dân bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng về việc cấp GCNQSDĐ.

Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su đại điền trên địa bàn huyện Mường Ảng, gia đình bà Lường Thị Dín (Quàng Thị Dín) bản Bua 1, xã Ẳng Tở góp 2 thửa đất trồng cao su từ năm 2009, với gần 3.000m2. Nhưng từ khi trồng cao su đến nay gia đình bà Dín chưa được nhận tiền chia sản phẩm mủ cao su sau khi khai thác. Nguyên nhân là vì một thửa đất của gia đình chưa được cấp GCNQSDĐ, dẫn đến Công ty Cổ phần cao su Điện Biên chưa ký hợp đồng với gia đình bà.

Bà Lường Thị Dín chia sẻ: Đất của gia đình tôi không tranh chấp với ai. Không cấp được GCNQSDĐ là do cán bộ đo đạc bị nhầm, làm mất diện tích của gia đình. Trước đó, gia đình tôi vẫn có nương trồng ngô, trồng lúa không tranh chấp với ai. Từ năm 2009 đến nay, gia đình tôi đã rất nhiều lần có ý kiến trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri tại bản, xã nhưng các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền đều hứa sẽ giải quyết. Nhưng, hứa đi hứa lại, hứa mãi, hứa đến… 13 năm. Sau 2 lần đo đạc (năm 2017 và năm 2021) đến nay, gia đình tôi vẫn chưa có diện tích cụ thể và chưa được cấp GCNQSDĐ. Trong khi đó, một phần diện tích đất của nhà tôi đã dùng để làm đường (nội đồng) vận chuyển mủ cao su. Có lần tôi ý kiến thì cán bộ Công ty cao su cho rằng làm đường là làm lợi cho người dân rồi, nên không bồi thường hay được hưởng lợi nhuận. Như vậy thiệt cho gia đình tôi quá, tiền phân chia sản phẩm chưa được nhận, tiền góp đất làm đường cũng không. Hiện nay, gia đình tôi mong muốn cơ quan chức năng cùng với Công ty Cổ phần cao su Điện Biên đo đạc để lấy lại diện tích đất cho gia đình dù không được nhiều như ban đầu gia đình cũng đồng ý; đồng thời, cấp GCNQSDĐ để gia đình được nhận tiền phân chia sản phẩm mủ cao su trong những năm đã qua và thời gian tới. Nếu các cơ quan chức năng không làm được, xin trả lại đúng diện tích đất ban đầu cho gia đình để chúng tôi chuyển đổi sang trồng cây khác.

Hộ gia đình ông Lường Văn Nghiên bản Bua 1, góp 2.400m2 trồng cao su từ năm 2009 (trong đó, một phần diện tích làm đường đi) nhưng từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được nhận tiền phân chia sản phẩm mủ cao su vì vẫn đang vướng mắc về thủ tục giấy tờ.

Tại xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo, trường hợp cấp nhiều GCNQSDĐ trên một thửa đất, đến nay vẫn chưa thu hồi điều chỉnh. Trong quá trình đo đạc, một số hộ bị mất diện tích đất góp; một số thửa đã được cấp GCNQSDĐ nhưng không xác định được vị trí trên thực địa.

Xã Sa Lông, Na Sang, huyện Mường Chà, một số thửa đất góp sai tên chủ đất dẫn đến không xác định được chủ hộ góp đất; cấp nhiều GCNQSDĐ trên một thửa đất, đến nay vẫn chưa thu hồi điều chỉnh..

Tổng diện tích đất góp của người dân đã trồng cây cao su nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ toàn tỉnh Điện Biên là 159,72ha thuộc 239 GCNQSDĐ của 192 hộ.

Trong đó, huyện Điện Biên 65,6ha, gồm 114 GCNQSDĐ; huyện Tuần Giáo 16,93ha gồm 54 GCNQSDĐ; huyện Mường Chà 68,19ha gồm 59 GCNQSDĐ; huyện Mường Ảng 0,08ha của 1 GCNQSDĐ; thành phố Điện Biên Phủ 8,92ha gồm 11 GCNQSDĐ.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top