Ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất

08:32 - Thứ Hai, 17/04/2023 Lượt xem: 1894 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương đã tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng và đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Nhiều phương pháp sản xuất mới, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân.

Người dân bản Na Lanh, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) tham gia mô hình trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon.

Mô hình trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon tại bản Na Lanh, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) đã mang lại hiệu quả cao. Giống lạc đỏ địa phương được người dân xã Na Son trồng từ nhiều năm nay, cây lạc sinh trưởng phát triển tốt, lạc thơm ngon, có nhiều lợi thế để phát triển thương hiệu hàng hóa. Đến nay sản phẩm lạc đỏ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên các hộ dân chủ yếu trồng theo phương pháp truyền thống, chưa được tiếp cận với các kỹ thuật mới trong sản xuất nên mật độ trồng không đảm bảo, chưa đầu tư chăm sóc, còn để cây phát triển tự nhiên nên không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng thực tế của cây trồng. Cuối năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông triển khai mô hình trồng lạc bằng phương pháp che phủ nilon tại bản Na Lanh. Đây là phương pháp áp dụng công nghệ thâm canh cây trồng tiên tiến. Việc che phủ nilon cho lạc làm tăng nhiệt độ đất, giúp cây phát triển nhanh ở giai đoạn mọc mầm; giữ ẩm đất, tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi ở các giai đoạn sau; đồng thời hạn chế cỏ dại, sự rửa trôi chất dinh dưỡng nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Phạm Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, thì mô hình này kiểm soát mật độ cây ngay từ thời điểm trồng (20 cây/m2). Cây lạc được trồng, chăm sóc theo kỹ thuật nên quả lạc to, mẩy, trọng lượng tươi của 100 hạt nặng hơn 200g so với canh tác truyền thống. Do mật độ lạc đảm bảo, đồng đều, dễ chăm sóc; bón phân cân đối hợp lý nên cây lạc sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng nuôi quả, quả to, đồng đều, mẫu mã đẹp; năng suất trong mô hình đạt 18,6 tạ/ha, cao hơn so với trồng truyền thống 9,8 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn gần 22 triệu đồng/ha. Hiện nay mô hình được nhân rộng ra toàn xã, tạo vùng sản xuất tập trung.

Ngoài mô hình trồng lạc tại huyện Điện Biên Đông, còn nhiều mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mang lại hiệu quả cao như: Mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân hữu cơ trong sản xuất lúa với quy mô 28,2ha, năng suất ước đạt 65 tạ/ha; mô hình trồng bí xanh bằng phương pháp leo giàn kết hợp bón phân hữu cơ vi sinh cho năng suất 60 tạ/ha; mô hình sản xuất lúa nếp 86, quy mô 70ha, năng suất ước đạt 66 tạ/ha. Tại các huyện khác cũng triển khai các mô hình hiệu quả như: Mô hình trình diễn áp dụng giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa giống ADI 168, Hanna 112 thực hiện trên địa bàn huyện Tủa Chùa với quy mô 39ha, năng suất ước đạt 78 - 80 tạ/ha; mô hình khảo nghiệm giống lúa lai Phúc Ưu 1 tại huyện Điện Biên với quy mô 10ha, năng suất ước đạt 70 tạ/ha...

Áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa; không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai, nhân rộng đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 2 - 5 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Để đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tăng cường khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi; chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top