Nhiều giải pháp chống hạn cho cây trồng

08:23 - Thứ Năm, 08/06/2023 Lượt xem: 3738 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước. Trước tình trạng đó, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó, chống hạn để bảo vệ cây trồng.

Người dân xã Pom Lót (huyện Điện Biên) chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ sang trồng cây ăn quả.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có trên 30.500ha lúa nước/năm; 24.564ha lúa nương; 43.546ha rau màu; 3.982ha cây ăn quả và hàng nghìn héc ta cây công nghiệp dài ngày. Do đó, công tác chống hạn, đảm bảo nước tưới cho cây trồng là nhiệm vụ quan trọng trong các vụ sản xuất.

Ông Phạm Đình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây trồng, ngay từ đầu năm, đầu vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện từng nội dung nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; chú trọng thực hiện điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý, triển khai tưới luân phiên và tiết kiệm nước; kịp thời sửa chữa, nạo vét, phát dọn kênh mương tránh tình trạng thất thoát nước. Trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp chống hạn vụ sản xuất đông xuân do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, mùa khô hanh, nắng nóng kéo dài.

Hiện nay, toàn tỉnh có 991 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, gồm 14 hồ chứa; 5 trạm bơm (2 trạm bơm điện, 3 trạm bơm thủy luân); 759 công trình lấy nước bằng đập dâng; 213 phai tạm đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 24.282,5ha lúa, hoa màu và thủy sản. Cùng với những giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị quản lý thủy nông, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng phương án riêng để ứng phó với khô hạn phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn như: Vận động người dân tham gia cùng lực lượng chức năng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; xây dựng lịch tưới nước linh hoạt, phù hợp cho từng địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để bơm nước chống hạn cho cây trồng; hướng dẫn người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo trồng cho từng khu vực một cách hợp lý. Đơn cử như vụ đông xuân năm 2023 được xem là vụ sản xuất khó khăn nhất trong nhiều năm qua do hạn hán. Song nhờ chủ động, linh hoạt các giải pháp ứng phó với hạn hán nên cơ bản các công trình thủy lợi đều đáp ứng đủ công suất, các diện tích cây trồng được cung cấp đủ nước để sinh trưởng và phát triển. Các công trình thủy lợi đảm bảo cấp nước cho 9.392,8ha/9.451,7ha lúa (đạt 99,4% kế hoạch). 

Để góp phần giảm áp lực về nguồn nước tưới cho cây trồng mỗi khi mùa khô đến, thời gian qua từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun mưa và chế phẩm sinh học trong sản xuất rau an toàn, hệ thống tưới nước tiết kiệm trong trồng cà phê, cây ăn quả… Nhận thấy lợi ích, hiệu quả thiết thực của mô hình, người dân tự giác nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp.

Cánh đồng thôn Tân Phong (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) nằm dưới hạ lưu hồ Thủy lợi Sông Ún. Tuy nhiên, nhiều năm nay dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mực nước hồ Sông Ún không đủ cung cấp cho sản xuất. Do đó, từ năm 2018, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng đã chuyển đổi 5ha đất ruộng một vụ để trồng rau an toàn. Đến nay, để khắc phục tình trạng thiếu nước, bằng nguồn vốn theo Quyết định số 45/QĐ-UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Hợp tác xã được hỗ trợ hệ thống nhà kính và công nghệ tưới phun mưa với diện tích 5.000m2.

Bà Phạm Út Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng cho biết: Trước đây, chúng tôi thường sử dụng máy bơm, bơm nước ao, hồ, khe suối để tưới rau nên nhiều lúc xảy ra việc tưới thừa, lãng phí nước. Sau khi được đầu tư hệ thống tưới phun mưa vừa giúp tiết kiệm tốt đa lượng nước vừa đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây trồng, nhất là vào thời điểm mùa khô.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một giải pháp hữu hiệu để ứng phó với hạn hán, thiếu nước mùa khô đã và đang được nhiều địa phương áp dụng. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa bị khô hạn sang trồng các cây màu và các loại cây trồng ngắn ngày. Năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi 889,52ha đất trồng lúa sang cây trồng khác. Cụ thể: Chuyển đổi 8,92ha đất lúa 2 vụ sang trồng cây hàng năm (mắc ca, bí xanh, dứa, ngô, lạc); 196,1ha đất lúa 1 vụ sang trồng cây hàng năm; 864,5ha lúa nương sang trồng dứa, cỏ voi, cây ăn quả. Vụ đông xuân năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác là 146,2ha. Các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng là: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top