Xuất khẩu trái cây tăng mạnh ngay tháng đầu năm

10:53 - Thứ Tư, 31/01/2024 Lượt xem: 6399 In bài viết

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1-2024 đạt khoảng 458,741 triệu USD, tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, nhiều đơn hàng xuất khẩu rau quả đã "kín" trong quý I-2024, mở ra tín hiệu tích cực cho ngành rau quả.

Những đơn hàng đầu năm

Trong tháng 1-2024, tỉnh An Giang phối hợp với các sở, ngành, Hợp tác xã Cù Lao Giêng và Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T xuất khẩu lô xoài tượng da xanh VietGAP đầu tiên đi thị trường Australia và Mỹ. Đây là lô xoài đã được cấp mã số vùng trồng.

Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết, việc xuất khẩu lô xoài tượng da xanh sang thị trường Australia và Mỹ bước đầu khẳng định vị thế trái xoài tượng của An Giang tại các thị trường khó tính. Đây là cơ hội lớn thúc đẩy hình ảnh, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện, doanh nghiệp đang có định hướng mở rộng thêm thị trường, để tiếp tục đưa trái xoài sang nhiều nước hơn.

“Ngoài bưởi da xanh, trong tháng 1 này, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group còn xuất khẩu lô hàng sầu riêng đi Trung Quốc. Hiện, các đơn hàng xuất khẩu trái cây sang nhiều thị trường đã "kín" trong quý I-2024”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Sầu riêng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian qua.

Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, dự kiến khoảng 20 tấn bưởi Diễn của tỉnh Hòa Bình đạt chất lượng, xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngay trong tháng 2 tới. Lô hàng bưởi Diễn có trọng lượng 16 tấn được Công ty Cổ phần RYB thu mua từ Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Tân, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đại Thành, tại 2 xã Cao Dương và Thanh Sơn (Hòa Bình).

Giám đốc Công ty cổ phần RYB Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin, để xuất khẩu đến thị trường Mỹ, quả bưởi Diễn phải đạt tiêu chí về độ ngọt, kích thước, vỏ cũng phải bóng và đẹp.

“Sau khi thu hoạch, bưởi sẽ được sơ chế, xử lý, đóng gói và chờ làm thủ tục xuất khẩu. Lô bưởi Diễn này được lấy mẫu kiểm định và đều đạt yêu cầu kỹ thuật, chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài hơn 900 chỉ tiêu về bảo vệ thực vật phải đạt, hình thức quả và đặc biệt là độ đường cũng rất quan trọng. Nếu không đạt thì đều phải loại ra”, bà Hương cho biết.

Đánh giá về xuất khẩu rau quả trong tháng 1-2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, với mức tăng trưởng 89,2% so cùng kỳ năm 2023 thì xuất khẩu ngành hàng này đang đón nhận nhiều tín hiệu khả quan. Mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 6,5-7 tỷ USD sẽ cán đích thành công.

Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, dư địa cho ngành hàng rau quả là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần bảo đảm về chất lượng, tiêu chuẩn, đồng thời chủ động khai thác thị trường. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đang thực thi. Nhờ đó, xuất khẩu ngành hàng này có lợi thế nhờ ưu đãi thuế quan, nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Năm 2024, xuất khẩu nhiều nhóm hàng nông sản tiếp tục khởi sắc nhờ năng lực sản xuất, chế biến và cung ứng của nước ta ngày càng cải thiện. Nông sản Việt đã có mặt ở thị trường 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng với thị trường lớn, thị phần còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, đến nay, nông sản Việt mới chiếm 5% trong tổng sản lượng nông sản nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân này. Hay tại Mỹ, EU, Nhật Bản... còn nhiều dư địa tăng trưởng”, ông Nguyên phân tích.

Để chủ động tạo nguồn hàng ổn định, bảo đảm chất lượng, các doanh nghiệp chủ động liên kết với nông dân, hợp tác xã hình thành các vùng trồng. Cụ thể, các doanh nghiệp liên kết với các hộ của tỉnh Tiền Giang xây dựng các vùng trồng đạt chất lượng. Theo thống kê của tỉnh này, đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sầu riêng có diện tích 17.650ha, sản lượng mỗi năm trên 278.000 tấn trái; vùng chuyên canh thanh long có diện tích 8.900ha, sản lượng mỗi năm trên 260.000 tấn trái, vùng chuyên canh bưởi có diện tích 4.730ha, sản lượng mỗi năm trên 86.000 tấn trái, vùng chuyên canh khóm có diện tích 14.460ha, sản lượng mỗi năm trên 250.000 tấn trái...

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, rà soát các vùng trồng đạt chuẩn để cấp mã vùng, đồng thời quản lý chặt chẽ các vùng đã được cấp mã để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường nhập khẩu.

Xoài Việt Nam được thị trường nhiều nước ưa chuộng.

Đối với vấn đề thị trường, Thứ trưởng Bộ NNN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về tiêu chuẩn, yêu cầu từ các nước để cung cấp cho doanh nghiệp chủ động trong xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với đại sứ quán các nước mở rộng thị trường, tận dụng tối đa lợi thế trong các hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho ngành hàng này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top