Đường hàng không Điện Biên sau 70 năm

09:42 - Thứ Hai, 06/05/2024 Lượt xem: 7165 In bài viết

ĐBP - Từ một sân bay dã chiến của quân đội Pháp, nhằm tăng viện quân lương, vũ khí cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đến nay sân bay Điện Biên đã trở thành một cảng hàng không hiện đại ở khu vực Tây Bắc.

Sân bay Điện Biên trước đây là sân bay Mường Thanh của quân đội Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Sân bay Mường Thanh được người Pháp đầu tư xây dựng phục vụ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là điểm cốt yếu trong chiến lược thiết lập một tập đoàn cỡ lớn nhằm tiêu diệt quân chủ lực Việt Nam, giành lại Đông Dương. Đường băng sân bay được ghép bằng hàng vạn tấm ghi sắt làm sẵn từ Pháp chuyển sang bằng máy bay, thả dù và lắp ghép tại Điện Biên. Khu vực cất và hạ cánh rộng 25m, dài 120m.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại Sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm nhưng các chuyến bay rất ít. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Cảng Hàng không Điện Biên vẫn được duy trì nhưng hầu như không khai thác. Đến năm 1984, kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến đường bay Hà Nội - Điện Biên bằng máy bay AN24, AK40... được khôi phục, sân bay đưa vào khai thác với đường băng ghi nhôm dài 1.400m.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, sân bay Điện Biên được Quân đội Việt Nam tiếp quản. (Ảnh tư liệu )

Sau một thời gian khai thác, do điều kiện kỹ thuật không cho phép, ngày 30/1/1995 đường bay bị cắt để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, Sân bay Điện Biên đã hoạt động trở lại với kết cấu hạ tầng chính gồm 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830m x 30m; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Tuy nhiên, do hạn chế về tĩnh không ở hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác loại máy bay cỡ nhỏ là ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Hiện nay sân bay Điện Biên đã được đầu tư xây dựng hiện đại.

Sau hơn 8 tháng tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác đầu tư xây dựng, mở rộng, ngày 2/12/2023, Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại. Đây là lần đầu tiên sân bay Điện Biên đón các dòng máy bay cỡ lớn, hiện đại A320, A321 và tương đương. Với việc đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, thời gian bay từ Hà Nội - Điện Biên và ngược lại chỉ mất khoảng 35 phút bay và từ TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên cũng chỉ gần 2 giờ.

Cảng Hàng không Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng đã góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển ngành du lịch, thương mại, dịch vụ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - những tiềm năng, lợi thế lớn nhất của tỉnh Điện Biên. Trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định tập trung phát triển giao thông với Cảng Hàng không Điện Biên là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại.

Sân bay Điện Biên đáp ứng dòng máy bay cỡ lớn, hiện đại A320, A321 và tương đương cất, hạ cánh.

Chỉ sau 4 tháng hoạt động trở lại, lượng hành khách đi và đến Cảng Hàng không Điện Biên đạt 906 lượt chuyến với tổng vận chuyển 69.900 hành khách. Sản lượng hành khách trong quý I/2024 thông qua sân bay Điện Biên tăng hơn 38% so cùng kỳ năm 2022 và tăng gần 77% so cùng kỳ năm 2021.

Năm 2024 là Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ước tính lượng khách sẽ tăng cao. Từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không đều tăng số lượng chuyến phục nhu cầu hành khách. Trong đó, Hãng Hàng không Vietjet tăng tuần suất bay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên lên 28 chuyến mỗi tuần. Vietnam Airlines tăng gần gấp đôi tần suất bay đến Điện Biên từ ngày 3 - 8/5. Cụ thể, hãng sẽ khai thác 3 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đi Điện Biên và chiều ngược lại, phục vụ nhu cầu người dân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các thiết bị hiện đại được đầu tư đáp ứng nhu cầu hành khách.

Cùng với phát triển du lịch, việc xây dựng mở rộng sân bay góp phần không nhỏ trong việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 thêm khoảng 15.000 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương năm 2025 sẽ tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người dự kiến tăng thêm khoảng 189 USD năm 2025; góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động. Quý I/2024, tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 3.629 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài khu vực Nhà nước đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên sẽ tác động đến liên kết, phát triển vùng và tiểu vùng quốc tế. Bởi Điện Biên nằm trong mối liên kết quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN khi tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phoong Sa Ly và Luông Pha Băng (Lào).

Sau khi đầu tư mở rộng, hành khách qua Sân bay Điện Biên liên tục tăng cao.

Từ một sân bay dã chiến của quân đội Pháp, ngày nay sân bay Điện Biên đã trở thành một cảng hàng không hiện đại của miền Bắc. Sân bay Điện Biên được coi là cột mốc quan trọng trong ngành Hàng không Việt Nam, mở ra cơ hội và tạo thêm động lực phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên cũng như khu vực Tây Bắc. Đến nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong 6 tỉnh khu vực Tây Bắc có sân bay đang hoạt động.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top